Viêm dạ dày mạn tính là bệnh lý khá nguy hiểm, vì có khả năng xảy ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều kịp thời. Tuy nhiên, tình trạng bệnh vẫn có thể chuyển biến tích cực nếu bệnh nhân tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa.
Phương pháp điều trị bệnh Viêm dạ dày mạn tính tốt nhất hiện nay
Viêm dạ dày mạn tính là mọt trong những bệnh lý liên quan đến các vấn đề về viêm nhiễm của lớp niêm mạc dạ dày. Điều này tạo nên sự thay đổi đáng kể ở dạ dày, làm cho những tế bào bảo vệ dạ dày biến mất dần dần theo thời gian, ngoài ra cũng gây nên cảm giác no sớm.
Bình thường, dạ dày sản xuất nhiều loại axit nhằm tham gia và thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn (chẳng hạn, enzym pepsin có vai trò phân giải chất đạm). Thế nhưng, hàm lượng axit quá lớn có thể khiến dạ dày tổn thương nghiêm trọng. Lúc này, lớp niêm mạc sẽ tiết ra chất nhầy để bảo vệ dạ dày.
Khi bệnh lý phát triển lâu năm và trở nên tồi tệ, niêm mạc dạ dày sẽ bị mài mòn từ từ, thậm chí chuyển sản hay dị sản. Sự biến đổi tiêu cực này chính là tiền đề hình thành các khối u ác tính hoặc bệnh ung thư dạ dày.
Triệu chứng của bệnh viêm dạ dày mạn tính
Với nhiều biểu hiện trực quan ồ ạt, tình trạng viêm dạ dày cấp tính rất dễ phát hiện. Thế nhưng, khi chuyển sang giai đoạn mạn tính, bệnh viêm dạ dày khó nhận biết hơn hẳn.
Đây chính là lý do vì sao người bệnh nên chủ động thăm khám định kỳ để được chẩn đoán chính xác và điều trị đúng hướng. Khi mắc phải vấn đề này, độc giả nên chú ý theo dõi tình hình sức khỏe của bản thân, đặc biệt là các triệu chứng chuyển biến của bệnh lý.
Những dấu hiệu nhận biết điển hình của bệnh viêm dạ dày mạn tính là:
- Đau vùng thượng vị: Những cơn đau âm ỉ và kéo dài dai dẳng ở vùng thượng vị (vùng bụng trên) khiến bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi và khó chịu. Cường độ cơn đau tăng lên rõ rệt nếu bạn vừa ăn xong, lúc đang đói hoặc khi uống rượu bia và ăn thức ăn chua cay.
- Đầy bụng, khó tiêu: Vì hệ tiêu hóa suy yếu nên chức năng tiêu hóa cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Lúc này, lượng thức ăn chưa được tiêu hóa hết sẽ tồn đọng ở dạ dày, sau đó lên men và sinh ra hiện tượng đầy bụng, khó tiêu.
- Buồn nôn hoặc nôn ói khi vừa ăn xong: Khi bị viêm, dạ dày sẽ tiết nhiều axit hơn bình thường. Điều này khiến lượng thức ăn cơ thể vừa dung nạp bị tống đẩy ra ngoài. Do đó, người bệnh dễ cảm thấy buồn nôn, thậm chí nôn ói ngay sau bữa ăn.
- Ợ chua, ợ hơi: Lượng dịch vị dư thừa sẽ được đẩy ngược lên thực quản. Thế nên, bệnh nhân thường xuyên ợ hơi, ợ chua. Nếu hiện tượng này kéo dài, thực quản của bạn có thể bị bỏng rát, thậm chí viêm loét.
- Chán ăn, mệt mỏi, sụt cân đột ngột: Nếu người bệnh bị giảm cân đột ngột thì chắc chắn, dạ dày của họ đang trong tình trạng sưng viêm. Bệnh viêm dạ dày mạn tính khiến chức năng tiêu hóa suy giảm nhanh chóng, khả năng hấp thụ dưỡng chất bị giới hạn đáng kể. Theo thời gian, cơ thể không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết để phát triển ổn định. Ngoài ra, một số bệnh nhân mắc chứng viêm dạ dày mạn tính còn bị xuất huyết dạ dày hoặc nôn ra máu.
Việc chẩn đoán – điều trị từ sớm có thể chặn đứng tiến triển bệnh lý, đồng thời đề phòng tái phát vô cùng hiệu quả. Ngay khi phát hiện bất cứ triệu chứng hoặc dấu hiệu bất thường, độc giả hãy đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa uy tín.
Cơ địa mỗi người rất khác nhau. Do đó, bạn cần được các chuyên gia giải thích cặn kẽ cũng như tư vấn tận tình để lựa chọn phương pháp điều trị an toàn, hiệu quả nhất.
Nguyên nhân gây viêm dạ dày mạn tính
Bệnh viêm dạ dày mạn tính có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó, phổ biến nhất là bảy vấn đề sau:
Nhiễm độc rượu bia
Đây chính là một trong những nguyên nhân gây bệnh hàng đầu. Khi chúng ta nạp vào cơ thể quá nhiều bia rượu, các thành phần hóa học của loại thức uống này sẽ ngăn cản quá trình hình thành lớp màng nhầy đóng vai trò bảo vệ niêm mạc dạ dày.
Vì lúc này, dạ dày rất dễ tổn thương nên các tế bào biểu mô có thể bị tấn công dễ dàng. Bệnh viêm dạ dày mạn tính sẽ xuất hiện nếu tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn và lặp lại.
Lạm dụng thuốc
Bên cạnh công dụng chữa bệnh, thuốc kháng viêm không steroid và thuốc kháng sinh luôn ẩn chứa nhiều nguy cơ tiềm ẩn và có thể gây ra một số tác dụng phụ.
Trong nhiều trường hợp, bệnh viêm dạ dày chuyển tiếp từ giai đoạn cấp tính sang mạn tính vì bệnh nhân lạm dụng thuốc kháng sinh và thuốc kháng viêm không chứa steroid (ibuprofen, aspirin). Hai nhóm thuốc này có khả năng hạn chế cơn sốt và điều trị các vấn đề về xương khớp.
Việc dùng thuốc một cách tự ý, bừa bãi có thể làm suy giảm chức năng tiêu hóa, đồng thời nâng cao rủi ro viêm nhiễm dạ dày bởi khi đi vào cơ thể, các loại thuốc này sẽ tiêu diệt cả vi khuẩn có lợi lẫn có hại, từ đó khiến đường ruột yếu dần.
Trào ngược dịch mật
Dịch mật là một loại dịch lỏng do gan sản xuất, có màu vàng nhạt hoặc xanh, được trữ trong túi mật. Nhiệm vụ của chất dịch này là thúc đẩy sản xuất men tiêu hóa ở đường ruột và hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn.
Thế nhưng, hiện tượng dịch mật trào ngược liên tục lên dạ dày có thể dẫn đến biến chứng viêm loét dạ dày. Trong một số trường hợp, dịch mật có thể trào ngược lên thực quản, gây viêm thực quản, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ hệ tiêu hóa.
Nhiễm khuẩn Hp
Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh viêm dạ dày mạn tính là nhiễm khuẩn Hp. Với cấu tạo đặc biệt, loại vi khuẩn này có thể sống sót ngay cả trong môi trường khắc nghiệt của dạ dày con người.
Khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn Hp sẽ trú ẩn ở phía dưới lớp niêm mạc dạ dày, sau đó giải phóng hàng loạt độc tố làm mất cân bằng nội mô, từ đó phá hủy niêm mạc và dẫn đến tình trạng viêm loét.
Tác nhân miễn dịch
Hệ miễn dịch không ổn định và vững chắc có thể gây ra chứng viêm dạ dày mạn tính. Hiện tượng rối loạn miễn dịch khiến các tế bào khỏe mạnh của niêm mạc dạ dày bị hệ miễn dịch tấn công. Theo thời gian, những tế bào này bắt đầu teo mỏng và lượng axit dạ dày giảm đi rõ rệt.
Căng thẳng liên tục, kéo dài
Khi thường xuyên cảm thấy áp lực, căng thẳng, bệnh nhân sẽ bị ức chế thần kinh. Vì vậy, hoạt động co bóp của dạ dày cũng bị tác động tiêu cực, lâu dần hình thành bệnh viêm loét mạn tính.
Bên cạnh đó, trạng thái căng thẳng đầu óc kéo dài còn có thể dẫn tới tình trạng rối loạn cân bằng giữa hai yếu tố bảo vệ và tấn công. Điều này khiến hệ miễn dịch nhanh chóng suy yếu. Đây chính là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển mạnh mẽ.
Chế độ ăn uống không hợp lý
Nếu dung nạp quá nhiều thức ăn giàu dầu mỡ, nhiều axit, đồ hộp, muối chua, thực phẩm lạnh, độc giả dễ bị viêm loét dạ dày. Vấn đề này có xu hướng tái phát thường xuyên nếu bạn không nghiêm túc điều chỉnh chế độ ăn uống trong và sau quá trình điều trị.
Ngoài ra, thói quen bỏ bữa, ăn quá no, ăn sai bữa, ăn nhiều về khuya có thể khiến dạ dày tiết nhiều axit hơn bình thường. Khi đó, lượng axit dư thừa sẽ từ từ bào mòn niêm mạc dạ dày, sau đó dẫn đến tình trạng viêm nhiễm mạn tính.
Một số nguyên nhân khác
Bệnh viêm dạ dày mạn tính có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác như: suy gan, suy thận, các bệnh về đường ruột, viêm đường hô hấp trên (vì dịch mũi liên tục chảy từ khoang mũi xuống miệng và dạ dày)…
Phân loại bệnh viêm dạ dày mạn tính
Căn cứ vào nguyên nhân hình thành bệnh lý, các chuyên gia phân chia viêm dạ dày mạn tính thành bốn loại sau đây:
- Viêm dạ dày mạn tính loại A hình thành khi hệ thống miễn dịch chủ động tấn công những tế bào dạ dày. Bên cạnh đó, viêm dạ dày mạn tính loại A thường đi kèm tình trạng thiếu máu và thiếu vitamin.
- Viêm dạ dày mạn tính loại B là thể bệnh phổ biến nhất hiện nay, do vi khuẩn Hp (H. pylori hay Helicobacter pylori) gây ra. Trong đó, vi khuẩn H. pylori có thể gây viêm loét đường ruột và dạ dày, từ đó góp phần dẫn đến bệnh ung thư dạ dày.
- Viêm dạ dày mạn tính loại C xuất hiện khi bệnh nhân lạm dụng rượu bia hoặc thuốc kháng viêm không chứa steroid (aspirin, ibuprofen).
- Ngoài ra, một số loại viêm dạ dày mạn tính còn lại thường bắt nguồn từ các nguyên nhân sau: thiếu hụt protein (viêm dạ dày phì đại khổng lồ), dị ứng với bệnh chàm hoặc hen suyễn (viêm dạ dày ái toan), căng thẳng liên tục lâu ngày, trào ngược dịch mật, chế độ ăn uống không khoa học…
Bệnh viêm dạ dày mạn tính có nguy hiểm không?
Theo các chuyên gia, nếu không được phát hiện đúng lúc và kiểm soát kịp thời, vấn đề sức khỏe nghiêm trọng này có thể gây ra hàng loạt biến chứng nguy hiểm như:
Hẹp môn vị dạ dày
Tình trạng viêm dạ dày mạn tính có thể làm tổ chức tá tràng dần dần xơ hóa, kéo theo biến chứng khít hẹp môn vị. Biến chứng này thường xuyên xảy ra khi vị trí viêm loét nằm tại bờ cong nhỏ, bên cạnh môn vị.
Khi môn vị dần dần thu hẹp, nguồn thức ăn được đưa từ dạ dày xuống hành tá tràng rất dễ tắc nghẽn. Thế nên, bệnh nhân thường xuyên bị nôn ói sau khi ăn uống. Triệu chứng nôn mửa kéo dài lâu ngày khiến cơ thể mất nước, táo bón, gầy yếu và xanh xao.
Teo niêm mạc dạ dày
Bên cạnh hai chức năng chính là sát khuẩn và tiết ra axit tiêu hóa thức ăn, niêm mạc dạ dày còn là “áo giáp” bảo vệ dạ dày khỏi quá trình ăn mòn của axit. Khi bệnh viêm dạ dày mạn tính bước vào giai đoạn cuối, phương pháp điều trị nội khoa (sử dụng thuốc Tây) không thể phát huy hiệu quả như mong đợi.
Lúc này, niêm mạc dạ dày bị tổn thương nghiêm trọng và hầu như mất đi khả năng tái tạo – phục hồi. Lâu dần, chúng bị teo mỏng. Tình trạng teo niêm mạc dạ dày có thể khiến cơ thể thiếu hụt vitamin b12 (dẫn tới chứng thiếu máu) và rối loạn tâm thần.
Xuất huyết dạ dày
Đây là một trong những biến chứng phổ biến nhất của bệnh lý này. Xuất huyết dạ dày là tình trạng chảy máu ồ ạt ở niêm mạc dạ dày, dẫn đến triệu chứng nôn ói và đi ngoài ra máu.
Đặc biệt, biến chứng xuất huyết dạ dày sẽ càng trở nên nguy hiểm nếu bệnh viêm dạ dày mạn tính liên quan đến vi khuẩn H. polori. Bởi chủng vi khuẩn này có thể kích thích sản xuất dịch vị ở dạ dày, làm tăng nồng độ axit và đẩy nhanh quá trình bào mòn niêm mạc dạ dày.
Dấu hiệu nhận biết của xuất huyết dạ dày thể nhẹ bao gồm:
- Đại tiện ra máu hoặc phân đen
- Đau bụng
- Da nhợt nhạt
- Mệt mỏi
- Huyết áp và mạch đập bất thường
Các triệu chứng điển hình của xuất huyết dạ dày thể nặng là:
- Khó thở
- Hoa mắt
- Buồn nôn, nôn ra máu
- Chóng mặt
- Lạnh tay chân
- Tụt huyết áp
- Mạch yếu
- Suy nhược cơ thể (vì thiếu máu nghiêm trọng)
- Suy tim
- Co giật (do não thiếu oxy)
Chứng xuất huyết dạ dày thể nặng có thể khiến bệnh nhân tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Vì vậy, ngay khi nôn ói hoặc đại tiện ra máu, bạn cần đi thăm khám bác sĩ ngay lập tức để được chẩn đoán chính xác và điều trị dứt điểm.
Thủng dạ dày
Thủng dạ dày là biến chứng trực tiếp phát sinh từ tình trạng viêm loét dạ dày.
Nếu bị thủng dạ dày, người bệnh sẽ biểu hiện nhiều triệu chứng nguy kịch như:
- Đau vùng thượng vị một cách dữ dội như bị dao đâm, cơn đau lan nhanh từ vùng thượng vị xuống khoang bụng
- Cơ thể ốm yếu
- Mặt mũi tái xanh
- Lạnh tay chân
- Đổ nhiều mồ hôi
- Khó thở
- Cơ bụng căng cứng khó chịu
- Huyết áp thấp
Nếu từng hoặc đang mắc bệnh viêm loét dạ dày, độc giả cần đi bệnh viện ngay lập tức khi gặp phải bất kỳ triệu chứng trên. Thủng dạ dày là biến chứng nguy hiểm, cần được cấp cứu khẩn cấp trước khi trực tiếp đe dọa đến tính mạng của bạn.
Ung thư dạ dày
Biến chứng tồi tệ và nặng nề nhất của bệnh viêm dạ dày mạn tính là ung thư dạ dày. Sự phát triển bất thường của những tế bào dạ dày sẽ hình thành một hay nhiều khối u ác tính.
Ung thư dạ dày có bốn giai đoạn. Nếu phát hiện từ sớm và điều trị đúng hướng, bệnh lý này không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, khi ung thư dạ dày chuyển sang giai đoạn 3 – 4, tỷ lệ sống còn chỉ khoảng 5%. Đa số bệnh nhân sẽ sống thêm 1 – 2 năm kể từ khi bước vào giai đoạn cuối.
Vì các triệu chứng của bệnh ung thư dạ dày tương tự những bệnh lý đường tiêu hóa khác nên rất dễ bị chẩn đoán nhầm. Trong giai đoạn đầu, bệnh nhân thường cho rằng bản thân mắc chứng rối loạn tiêu hóa thông thường và không thể ngờ rằng bản thân đang bị ung thư.
Dấu hiệu nhận biết bệnh ung thư dạ dày bao gồm:
- Chán ăn, mất khẩu vị
- Khó nuốt
- Trướng bụng, đầy hơi
- Đau dạ dày dữ dội
- Ợ nóng, ợ chua
- Đại tiện ra máu
- Ngất xỉu
Các chuyên gia cho biết, đây là một trong năm loại ung thư phổ biến nhất nước ta và đi kèm tỷ lệ di căn cao. Do đó, độc giả cần thường xuyên thăm khám tổng quát và tầm soát ung thư định kỳ nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.
Phương pháp điều trị bệnh viêm dạ dày mạn tính
Để chẩn đoán viêm dạ dày mạn tính một cách chính xác, bác sĩ chuyên khoa sẽ thu thập thông tin thông qua:
- Xét nghiệm phân
- Xét nghiệm tìm vi khuẩn
- Xét nghiệm công thức máu
- Nội soi
Hiện nay, ba hướng điều trị bệnh viêm dạ dày mạn tính phổ biến nhất là sử dụng thuốc Tây, chữa bệnh tại nhà bằng mẹo dân gian và điều chỉnh lối sống – chế độ ăn uống.
Sử dụng thuốc Tây
Y học hiện đại chưa tìm ra cách chữa viêm dạ dày mạn tính dứt điểm và triệt để. Thông thường, sau khi trải qua quá trình điều trị lâu dài, bệnh lý này vẫn có xu hướng tái phát thường xuyên. Phác đồ điều trị chỉ đang tập trung chủ yếu vào mục đích xoa dịu cơn đau, cải thiện triệu chứng và phòng ngừa biến chứng.
Ưu điểm của việc sử dụng thuốc Tây là tác dụng nhanh, hiệu quả tốt và dễ dàng sử dụng. Tuy nhiên, cách làm này có thể dẫn đến dị ứng, phản ứng hoặc gây ra tác dụng phụ (phát ban, khó tiêu, đầy bụng, suy thận, tăng men gan…).
Những loại thuốc thường được bác sĩ chuyên khoa chỉ định cho người bệnh viêm dạ dày mạn tính là:
- Thuốc bọc niêm mạc dạ dày (bismuth subcitrat, cytotec, misoprostol, sucralfate) giúp bảo vệ dạ dày khỏi sự tấn công của vi khuẩn gây hại ở đường ruột cũng như bảo vệ dạ dày khỏi quá trình ăn mòn của axit.
- Thuốc trung hòa axit dạ dày (maalox, mylanta, tums, rolaids) có công dụng trung hòa nồng độ axit của dịch vị, từ đó hạn chế triệu chứng khó tiêu, đau dạ dày, ợ nóng…
- Thuốc chống H2 (cimetidin, nizatidine, ranitidine, famotidine) hoạt động bằng cách ức chế histamin (một chất hóa học có khả năng báo hiệu thời điểm axit dạ dày được tiết ra).
- Thuốc ức chế bơm proton như: esomeprazole (nexium), pantoprazole (protonix), rabeprazole (acipHex), lansoprazole (prevacid), dexlansoprazole (dexilant), omeprazole (prilosec, zegerid)… giúp kiểm soát hàm lượng axit và bảo vệ niêm mạc dạ dày (không thể tiêu diệt vi khuẩn Hp).
- Thuốc kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn Hp như: levaquin, flagyl, tetracycline HCL, tindamax…
Lưu ý, bệnh nhân nên ngưng dùng aspirin và những loại thuốc tương tự nếu chúng là nguyên nhân gây viêm dạ dày mạn tính.
Thông thường, nếu bệnh lý liên quan đến việc lạm dụng rượu bia, các triệu chứng sẽ nhanh chóng biến mất chỉ sau vài giờ uống thuốc. Tuy nhiên, nhìn chung, tình trạng này cần được điều trị lâu dài, nghiêm túc trong nhiều năm.
Chữa bệnh bằng mẹo dân gian
Một số cách trị viêm dạ dày mạn tính theo phương pháp dân gian phổ biến, an toàn mà các bệnh nhân có thể áp dụng là:
- Dùng 1 ly nước ép cà rốt hàng ngày trong vòng 3 tuần liên tục
- Cắt lát bắp cải trắng, xay nhuyễn, trữ trong tủ lạnh (tối đa 2 tuần), đun nóng khi uống
- Nấu sôi hỗn hợp rễ và lá dâu rừng, dùng 1 ly/ngày
Với nguồn nguyên liệu quen thuộc, dễ tìm, cách chữa viêm dạ dày mạn tính bằng phương pháp dân gian rất đơn giản, tiện lợi và có thể dễ dàng áp dụng tại nhà. Tuy nhiên, công dụng của các bài thuốc chưa được y học hiện đại kiểm chứng. Hơn nữa, người bệnh dễ gặp phải tác dụng phụ nếu áp dụng sai cách.
Điều chỉnh lối sống và chế độ ăn uống
- Uống đủ nước ( 2 – 2.5 lít nước/ngày)
- Kiêng cữ rượu bia, thức ăn mặn, giàu dầu mỡ
- Hạn chế dung nạp thịt đỏ và thực phẩm đóng hộp
- Ăn nhiều trái cây, rau xanh, sữa chua, cá, thịt gà, đậu hũ, các loại đậu, gạo, bánh mì, mì ống…
- Thư giãn tinh thần, tránh xa căng thẳng
- Làm việc – nghỉ ngơi điều độ, hợp lý
- Cai thuốc lá
- Không tự ý dùng nhóm thuốc kháng viêm không chứa steroid (aspirin, naproxen, ibuprofen)
- Tuân thủ phác đồ điều trị và mọi chỉ định của bác sĩ chuyên khoa một cách nghiêm túc
Tuy diễn biến âm thầm nhưng bệnh viêm dạ dày mạn tính rất nguy hiểm. Vì vậy, ngay khi phát hiện bất cứ dấu hiệu bất thường nào về đường tiêu hóa, độc giả cần chủ động thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và chữa trị dứt điểm.