Rách sụn chêm khớp gối được biết đến là một trong những dạng chấn thương gối rất hay thường gặp, nguyên nhân thường gặp là do bị chấn thương khi chơi thể thao hay bị té ngã. Dạng chấn thương trên sẽ khiến người bệnh không chỉ đau đơn, mà còn làm giảm khả năng vận động cũng như tồn tại rất nhiều nguy hiểm như teo cơ tứ đầu đùi hay tổn thương sang các cơ quan lân cận khác.
Nguyên nhân và phương pháp điều trị bệnh Rách sụn chêm khớp gối
Khớp gối là một trong những cơ quan có cấu tạo vô cùng phức tạp và được cấu tạo nên bởi đầu dưới xương đùi, đầu trên xương chày và xương bánh chè. Trong đó sụn chêm là một trong những bộ phận của sụn khớp, nằm ở giữa xương đùi và xương chày với vai trò bảo vệ thêm sự vững chắc của gối, nhằm hạn chế tối đa các tác động từ các tổn thương bên ngoài.
Sụn chêm thường dày khoảng 3 – 5mm, được chia ra làm hai loại
- Sụn chêm trong: Có hình chữ nằm ở phía bên trong của khớp và có chiều dài khoảng 5-6cm. Do sụn chêm trong thường có mối liên hệ chặt chẽ với các cơ quan lân cận và hạn chế việc di chuyển nên các tổn thương thường xảy ra tại đây và gây ra những cơn đau vô cùng khó chịu.
- Sụn chêm ngoài: Thường có hình chữ 0 và nằm phía bên ngoài của khớp.
Tính chất chung của cả sụn chêm trong và ngoài là dai và có tính đàn hồi cao. Cơ quan này được chia làm 3 phần chính bao gồm sừng trước, thận giữa và sừng sau trong đó có cả hai bờ là bờ bao khớp bám dính vào bao khớp và bờ tự do. Sụn chêm đóng vai trò khá quan trọng trong khớp gối, nó giống như một miệng đệm lót để làm vững gối, giảm sóc, giúp việc vận động linh hoạt hơn và giảm được các tổn thương từ bên ngoài cho khớp gối.
Nhìn chung vai trò của sụn chêm như sau
- Phân tán lực đều lên đầy gối, hỗ trợ sự ổn định của khớp gối khi cử động
- Tạo cho khớp gối sự vững chắc và linh hoạt, trải đều dịch bôi trơn trên khớp gối, tránh lỏng lẻo.
- Hạn chế các tác động mạnh làm tổn thương khớp gối
- Lấp đầy các khe khớp gối, hạn chế việc bao khớp và mang hoạt dịch bị kẹt lại tại đây.
Rách sụn chêm khớp gối là một trong những chấn thương thường gặp và gây ra rất nhiều bất tiện về sinh hoạt cho người bệnh. Tình trạng này thường liên quan đến các chấn thương trong vận động hay tai nạn khi lạo động khiến sụn chêm bị rách hay vỡ. Một phần sụn bị rách này còn có thể kẹt vào các khe khớp gối dẫn tới thoái hóa khớp.
Các tổn thương này có thể xảy ra ở cả sụn chêm trong và ngoài, bên cạnh đó còn có thể rách sừng trước – sau hoặc rách vùng giàu mạch hoặc vô mạch,…Cụ thể hơn các kiểu rách sụn chêm được chia thành các kiểu như sau
- Dựa theo hình thái vết rách: rách dọc, rách ngang, hình vạt, rách hình nan hoa, hình quai vali, hình mỏ,và rách phức tạp.
- Dựa theo vị trí: rách sừng trước/sừng sau, rách thân, rách vùng vô mạch, vùng giàu mạch nuôi.
Trong đó, rách sụn chêm ngang là tình trạng phổ biến nhất, chiếm 32% tại sụn chêm trong, chủ yếu xảy ra tại người lớn tuổi nhưng không có triệu chứng quá rõ ràng.
Người bệnh sau khi phát hiện các dấu hiệu cho thấy có thể đã bị rách khớp gối cần nhanh chóng đến bệnh viện điều trị để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Nguyên nhân gây rách sụn chêm khớp gối
Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây rách sụn chêm, chủ yếu có liên quan đến các yếu tố như vận động, chấn thương, hay tuổi tác. Trong đó việc vận động đơn giản như đứng lên, ngồi xuống hay xoay chân nếu không đúng tư thế có thể là nguyên nhân chủ yếu gây rách sụn chêm dễ dàng. Cụ thể như sau
Ở người trẻ
Ở người trẻ hệ thống xương khớp còn khá khỏe mạnh. Tuy nhiên do độ tuổi này hầu hết mọi người đều tham gia các hoạt động vận động thể chất mạnh, đặc biệt với nam giới thường thích gia các môn thể thao có tính đối kháng như đá bóng nên rất dễ bị rách sụn khớp gối.
Các nguyên nhân có thể gây bệnh ở người trẻ bao gồm
- Người trẻ bị chấn thương trong tư thế ngồi thấp hay ngồi xổm khiến đầu gối bị văn xoắn lại
- Người tham gia các bộ môn như đá bóng, quần vợt hay bóng rổ thường có nguy cơ chấn thương cao hơn
- Người bị tai nạn giao thông
- Việc quỳ xuống hay nâng vật nặng lên nếu xảy ra quá đột ngột cũng có thể gây rách sụn khớp gối.
Ở người lớn tuổi
Theo thời gian, tuổi càng lớn thì chức năng vận động ngày càng hạn chế, xương càng giòn và dễ bị tổn thương hơn. Cho dù độ tuổi này việc chấn thương do các hoạt động thể chất hay vận động mạnh thường ít xảy ra hơn nhưng tỷ lệ người cao tuổi bị rách sụn chêm khớp vẫn rất cao do các nguyên nhân sau
- Do sự thoái hóa tự nhiên theo độ tuổi. Lúc này xương đùi và khớp gối trở nên thô ráp hơn, dễ ma sát vào nhau đồng thời sụn chêm lúc này cũng khá mềm yếu nên rất dễ dàng bị xé rách.
- Với những người già, việc đứng lên ngồi xuống đột ngột đôi khi cũng có thể gây ra rách sụn chêm do đầu gối bị xoắn lại bất ngờ. Đặc biệt tình trạng này thường kèm theo m theo bong và mòn sụn khớp.
Nói chung, với những nguyên nhân trên, những đối tượng thường hay mắc phải tình trạng này thường là các vận động viên, người già người lớn tuổi hay những người thường hay tham gia các bộ môn thể thao có tính đối kháng mạnh.
Dấu hiệu rách sụn chêm khớp gối
So với các bệnh về xương khớp khác, rách sụn chêm thường xuất hiện và có diễn biến vô cùng nhanh chóng. Khi vừa mới bị rách, người bệnh có thể chưa cảm nhận được cơn đau và vẫn có thể đi lại vận động như bình thường. Cơn đau thường xuất hiện sau 2- 3 ngày sau đó khiến người bệnh vô cùng đau đớn thậm chí có thể mất khả năng vận động tùy vị trí rách.
Các dấu hiệu đặc trưng của rách sụn chêm bao gồm
- Có tiếng “nổ” lốp bốp ngay sau khi sụn chêm bị rách, tuy nhiên lúc này người bệnh có vẫn có thể đi lại vận động như bình thường.
- Đầu gối đau và sưng. Cơn đau xuất hiện âm ỉ, liên tục với cường độ ngày càng tăng, cơn đau có xu hướng trầm trọng hơn về đêm khiến người bệnh không ngủ được.
- Khớp gối bị kẹt, ấn vào thấy đau và khó khăn trong việc co duỗi chân
- Khi di chuyển có thể nghe thấy tiếng lục cục trong khớp.
- Gặp khó khăn trong đi lại, vận động.
Các xét nghiệm kiểm tra rách sụn khớp gối
Những triệu chứng trên thường xuất hiện trong vòng vài ngày sau khi tính trạng khớp gối vừa rách. Để có thể xác định chính xác cũng như xem xét tình trạng vết rách, người bệnh cần nhanh chóng tới bệnh viện để làm các xét nghiệm kiểm tra, từ đó mới có thể đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Để kiểm tra sơ bộ bên ngoài bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh làm các xét nghiệm nghiệm pháp McMurray, ngồi xổm và nghiệm pháp Apley và đều cho kết quả dương tính. Để xác định vị trí, hình thái và tình hình vết rách người bệnh sẽ được chỉ định làm các kiểm tra sau
- Chụp X Quang: để xác định tình trạng xương quanh khu vực khớp gối. Phương pháp này cho kết quả khá nhanh chóng, tuy nhiên không thể bộc lộ hết tình trạng của sụn chêm. Vì vậy mục đích chủ yếu khi chụp X quang nhằm xác định chính xác liệu nguyên nhân của bệnh có liên quan đến các bệnh lý khác liên quan đến đầu gối nhưng có triệu chứng tương tự hay không.
- Siêu âm khớp gối: Nhằm xác định tình trạng tụ dịch quanh đầu gối bằng cách sử dụng sóng siêu âm. Bên cạnh đó phương pháp này còn có thể cho thấy các tổn thương dây chằng nếu có.
- Nội soi chẩn đoán: Được chỉ định khi qua các xét nghiệm lâm sàng thấy các tổn thương tại sụn chêm có dấu hiệu phức tạp. Bác sĩ sẽ thực hiện một vết nhỏ tại đầu gối và đưa một máy nội soi nhỏ bao gồm thiết bị chứa nguồn sáng và camera vào bên trong để xem xét kỹ hình ảnh sụn chêm bên trong qua hình ảnh phản chiếu trên màn hình lớn. Một số trường hợp dụng cụ phẫu thuật cũng có thể đưa vào và xử lý vết rách ngay lúc này. Phương pháp này có thể đánh giá chính xác tình trạng sụn chêm, từ đó có thể đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
- Chụp cộng hưởng MRI: Đây là phương pháp được sử dụng chủ yếu trong xét nghiệm sụn chêm khớp nói riêng cũng như các bệnh xương khớp nói chung. MRI có độ nhạy khoảng 95% và độ đặc hiệu 81% trong kiểm tra tổn thương với sụn chêm trong. Với sụn chêm ngoài có độ nhạy khoảng 85% và độ đặc hiệu 93%.
Hầu hết việc chụp MRI được ưu tiên chủ yếu trong kiểm tra sụn chêm khớp gối bị rách. Tuy nhiên chi phí chụp khá đắt và máy này cũng chỉ có ở các bệnh viện lớn có chuyên khoa về xương khớp nên người bệnh cần chú ý.
Rách sụn chêm khớp gối có nguy hiểm không?
Như đã nói, sụn chêm đóng vai trò khá quan trọng trong việc nâng đỡ và bảo vệ khớp gối. Vì vậy các tổn thương tại đây có liên quan trực tiếp đến khớp gối cũng như khả năng vận động của người bệnh. Rách sụn chêm không chỉ gây ra những cơn đau nhức tại đầu gối, khó khăn trong vận động mà còn có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm nếu người bệnh không điều trị đúng cách.
Cách biến chứng của rách sụn khớp gối có thể xảy ra bao gồm
- Teo cơ tứ đầu đùi: là tình trạng một trong hai bên đùi bị teo lại không bằng nhau, người bệnh không thể co duỗi thẳng chân dẫn tới việc không thể đi lại như bình thường, gây khó khăn trong sinh hoạt và đời sống hằng ngày,.
- Hư khớp gối: do đứt dây chằng chéo trước đồng thời sụn chêm bị hư hại khiến cơ thể không thể đứng vững. Trong trường hợp sụn chêm đã bị hư hỏng hoàn toàn, người bệnh sẽ phải cắt bỏ nó làm quá trình thoái hóa và hư khớp gối diễn ra nhanh chóng.
- Gây tổn thương lên các bộ phận khác: Các thống kê cho thấy có đến hơn 50% trường hợp rách sụn chêm đều ảnh hưởng hay tổn thương cho các cơ quan lân cận như bong chỗ bám hay phù tủy xương, đứt dây chằng chéo trước dẫn tới khớp gối bị lỏng và mấy khả năng đi lại.
Ngoài ra, những cơn đau khiến việc vận động của người bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Người bệnh có thể phải cần đến sự trợ giúp của người thân trong sinh hoạt hằng ngày và gây ra rất nhiều bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày, đôi khi có thể liên quan đến các vấn đề tâm lý. Vì vậy cần sớm điều trị bệnh này để tránh các biến chứng nguy hiểm trên.
Điều trị rách sụn chêm khớp gối
Sau khi làm đầy đủ các xét nghiệm chẩn đoán, tùy vào từng tình trạng rách sụn chêm, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Tùy mức độ và hình thái rách, kích cỡ rách sẽ quyết định có nên phẫu thuật hay không.
Các trường hợp không cần phẫu thuật
Với các vết rách nhỏ ở một số vị trí an toàn người bệnh có thể không cần mà có thể tự chăm sóc tại nhà kết hợp dùng một số loại thuốc để giảm đau và phục hồi nhanh chóng hơn.
- Rách vùng sụn giàu mạch máu nuôi: rách ở 1/3 ngoài. Với các vết rách nhỏ nếu ở vị trí này thường có khả năng tự lành rất cao do có nhiều mạch máu đi nuôi dưỡng. Người bệnh hầu hết được hướng dẫn chăm sóc tại nhà và không cần can thiệp ngoại khoa.
- Rách vùng sụn trung gian: rách sụn chêm ở 1⁄3 giữa trong một số trường hợp cũng có thể tự điều trị tại nhà những thời gian lâu hơn và đòi hỏi người bệnh cần chăm sóc thật đúng cách.
Với những trường hợp này người bệnh sẽ được chỉ định chườm đá và nghỉ ngơi để giảm đau, Ngoài ra một số loại thuốc kháng viêm, giảm đau giúp hỗ trợ rút ngắn thời gian phục hồi nhanh hơn cũng được chỉ định như celebrex, mobic… hay thuốc giảm phù nề.
Người bệnh tốt nhất nên dành thời gian nghỉ ngơi chủ yếu, hạn chế vận động, đi lại, mang vác cho tới khi sụn chêm lành hẳn. Thường thời gian tự phục hồi khoảng 5- 10 ngày, nếu các dấu hiệu đau nhức không giảm bớt sẽ được chuyển qua phương pháp phẫu thuật.
Các trường hợp cần phẫu thuật
Với những người bệnh đã bị đau nhức quá trầm trọng, đầu gối không thể đứng vững và việc vận động gặp nhiều khó khăn như rách 2/3 sụn chêm trong sẽ bắt buộc phải phẫu thuật để điều trị dứt điểm. Hầu hết hiện nay các bệnh viện đều áp dụng phương pháp phẫu thuật nội soi tỏng, ít xâm lấn, không quá đau đớn những vẫn cho hiệu quả điều trị khá tốt.
Tùy thuộc vào tình trạng người bệnh mà các phương pháp can thiệp ngoại khoa được chỉ định khác nhau, bao gồm
Cắt bỏ sụn khớp gối
Phương pháp này thường được chỉ định khi vết rách đã xuất hiện trên 6 tuần ở vị trí 2/3 sụn chêm trong do nơi này có vùng máu nuôi nghèo nàn nên khả năng tự phục hồi dường như là rất thấp. Đây cũng là vị trí rách sụn chêm khớp gối nghiêm trọng nhất bắt buộc phải cắt bỏ sụn chêm để có thể loại bỏ cơn đau cũng như khả năng vận động cho cơ thể.
Tuy nhiên một số nghiên cứu cho thấy sau cắt bỏ sụn chêm có đến hơn 10% số người bệnh có nguy cơ thoái hóa khớp gối sớm chỉ sau 3-5 năm. Vì thế phương pháp này khôn thật sự hoàn toàn ưu việt nhưng vẫn bắt buộc phải sử dụng nếu sụn chêm đã bị tổn thương hư hại quá nhiều, không thể phục hồi.
Ghép sụn chêm
Ghép sụn chêm là phương pháp vô cùng phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao và bắt buộc sử dụng sụn chêm đồng loại (allograft) để ghép. Phương pháp này thường được áp dụng với những tình trạng sụn độ III, IV có diện tích 1-3 cm ở vùng chịu lực.Tuy nhiên chi phí điều trị này khá cao, đồng thời cần có rất nhiều kỹ thuật máy móc hiện đại.
Dù năm 2008 bệnh viện đại học Y dược TPHCM đã áp dụng phương pháp ghép sụn chêm tự thân bằng cách lấy ở phần sụn chêm mới ở phần sụn khớp ít chịu lực của khớp gối khá thành công, tuy nhiên phương pháp này vẫn chưa được thực hiện phổ biến tại Việt Nam.
Khâu sụn chêm
Đây là phương pháp thường được ưu tiên hơn hẳn nếu tình trạng rách sụn chêm chưa ở mức độ quá trầm trọng. Phương pháp này thường được chỉ định với những trường hợp rách sụn chêm dưới 6 tuần ở hình thái rách dọc tại nơi có nguồn máu dồi dào để hỗ trợ quá trình phục hồi nhanh chóng.
Khâu sụn chêm sẽ có cơ hội làm liền sụn chêm cao, nếu có thể chăm sóc và sinh hoạt hợp lý. Tuy nhiên phương pháp này cần phải thực hiện nhanh chóng ngay khi vết rách vừa xuất hiện mới có cơ hội phục hồi. Nếu vết rách để lâu và bị xơ hóa thì hầu như cơ hội phục hồi là rất thấp.
Tiêm huyết tương tiểu cầu PRP
Trong một số trường hợp, tiêm huyết tương tiểu cầu PRP là phương pháp có khá nhiều ưu điểm có thể làm giảm cơn đau nhanh chóng và được sử dụng khá nhiều hiện nay.
Theo đó, huyết tương tiểu cầu chính là thành phẩm được dùng từ chính máu của người bệnh (tự thân) có hàm lượng tiểu cầu cao kết hợp với một số yếu tố phân tử sinh học cao hơn mức thông thường gấp nhiều lần. Chất này được đưa vào vị trí rách sụn chêm khớp gối và có thể tăng tốc độ phục hồi các tổn thương tại đây vô cùng nhanh chóng.
Chỉ với 2- 3 mũi tiêm theo liệu trình người bệnh có thể phục hồi nhanh chóng và không hề gây đau đớn hay bất tiện nào. Chi phí điều trị cũng khá phù hợp nên hiện nay khá nhiều người ưu tiên chọn phương pháp này.
Tuy nhiên phương pháp này có thể không áp dụng cho một số trường hợp như
- Người có nhiễm khuẩn ngoài da tại quanh khớp gối
- Người đang dùng thuốc chống viêm không steroid cần dừng thuốc trước 1 tuần
- Người đang bị thoái hóa khớp gối kèm theo viêm khớp gối do nhiễm khuẩn
- Người bị một số bệnh lý như tim mạch, huyết áp cao, đái tháo đường
- Người có tiêm corticoid/ acid hyaluronic trong vòng vòng 6 tháng
Song song với các phương pháp điều trị người bệnh còn cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt để có thẻ hỗ trợ tốc độ phục hồi nhanh chóng hơn. Ngoài ra người bệnh còn cần kết hợp với một số bài vật lý trị liệu theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để dần phục hồi chức năng vận động lại như bình thường.
Với những thông tin trên đây hy vọng đã giúp bạn giải đáp các băn khoăn về nguyên nhân và cách điều trị rách sụn chêm khớp gối. Tốt nhất bạn nên tăng cường canxi, các khoáng chất cũng như thường xuyên tập thể dục để tăng cường sức khỏe xương khớp, hạn chế nguy cơ mắc các bệnh này hiệu quả nhất.