Nguyên nhân và cách điều trị bệnh “Viêm bờm mỡ đại tràng”

Bệnh “Viêm bờm mỡ đại tràng” hay còn được gọi với tên khoa học epiploic appendagitis là tình trạng viêm nhiễm tự giới hạn các bờm mỡ của đại tràng. “Viêm bờm mỡ đại tràng” là một căn bệnh hiếm gặp, thường xuất hiện chủ yếu ở những người đang trong độ tuổi từ 40 đến 50. Đặc trưng của bệnh này là có thể tự thuyên giảm chỉ sau 5 – 7 ngày mà không cần sự can thiệp để điều trị.

Viêm bờm mỡ đại tràng là bệnh gì?
Viêm bờm mỡ đại tràng là bệnh gì?

 

Bệnh viêm bờm mỡ đại tràng là gì?

Thuật ngữ Viêm bờm mỡ đại tràng dùng để mô tả tình trạng những dải mỡ xuất hiện và bám lấy mặt ngoài của đại tràng. Mỗi bờm mỡ sẽ được nuôi dưỡng và cấp máu bằng một vài động mạch hay tĩnh mạch nào đó.

Đặt điểm nhận dạng trông giống như một trái nho có hình oval hay ngón tay út. Bờm mỡ đại tràng (lòng giả, giả túi thừa) là một thành phần của mạc nối đại tràng, có màu vàng, dài khoảng 0.5 – 5cm, đi kèm 1 – 2 tiểu động mạch và 1 tĩnh mạch. Thông thường, khoảng 50 – 100 túi mỡ sẽ xuất hiện song song dải cơ dọc đại tràng, trải dọc từ manh tranh đến vị trí tiếp nối đại tràng Sigma với trực tràng.

Xoắn bờm mỡ đại tràng là trường hợp ít gặp, có thể dẫn đến hiện tượng thiếu máu cục bộ tại bờm mỡ và tạo thành những cơn đau bụng cấp. Bên cạnh đó, sự hình thành huyết khối tĩnh mạch tự phát ở bờm mỡ cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.

Căn bệnh này thường xảy ra ở manh tràng và đại tràng Sigma (phổ biến hơn cả ở đại tràng Sigma). Vị trí đau bụng ở 1/4 bụng dưới bên trái, đôi khi hình thành bên phải. Hiện nay, công tác chẩn đoán vẫn đang gặp phải một số khó khăn bởi bệnh lý này không có dấu hiệu nhận biết lâm sàng đặc trưng.

Triệu chứng của bệnh viêm bờm mỡ đại tràng

Nhìn chung, các triệu chứng khá mờ nhạt, không điển hình và rất dễ nhầm lẫn với những vấn đề về đường ruột khác. Các chuyên gia cho biết, các bờm mỡ ở đại tràng thường ma sát với một số bộ phận xung quanh và gây ra nhiều cơn đau bụng khó chịu ở vùng bụng giữa và dưới bên trái.

Triệu chứng của bệnh viêm bờm mỡ đại tràng
Dấu hiệu nhận biết thường gặp nhất của bệnh viêm bờm mỡ đại tràng là đau bụng dưới bên trái.

Những cơn đau thường khởi phát từng đợt với mức độ tăng dần từ âm ỉ đến dữ dội. Bệnh nhân sẽ cảm thấy đau hơn đáng kể khi ho, hít thở sâu, thực hiện một số bài tập kéo căng vùng bụng hay khi dùng tay ấn vào thành bụng.

Trong một số ít trường hợp, bệnh viêm bờm mỡ đại tràng có thể đi kèm một số triệu chứng như: nôn ói, buồn nôn, sốt cao, tiêu chảy, ăn không ngon.

Nguyên nhân phát sinh

Căn cứ vào nguyên nhân hình thành, bệnh viêm bờm mỡ đại tràng được chia thành hai loại là dạng nguyên phát và dạng thứ phát. Điểm chung duy nhất là hai dạng bệnh này là đều liên quan đến tình trạng lưu thông máu bất thường tới vùng biểu mô bên ngoài đại tràng.

Viêm bờm mỡ đại tràng nguyên phát

Thể bệnh này thường gặp nhất ở phụ nữ thừa cân – béo phì trên 50 tuổi, xuất hiện khi đại tràng Sigma bị xoắn lại hoặc một cục máu đông tự phát vừa được hình thành.

Khi đó, nguồn máu tươi cung cấp nguồn dưỡng chất dồi dào cho niêm mạc đại tràng bị gián đoạn đột ngột. Vì vậy, các động mạch và mạch máu có xu hướng chỉ bơm máu cho một số vị trí cụ thể. Điều này dẫn tới hiện tượng viêm nhiễm và kích thích tạo nên một số dải mỡ bất thường tại bề mặt đại tràng.

Viêm bờm mỡ đại tràng thứ phát

Viêm bờm mỡ đại tràng thứ phát thường hình thành khi đại tràng đang bị viêm nhiễm (viêm ruột thừa, viêm đại tràng cấp, viêm túi thừa, viêm túi mật…). Những bệnh lý này làm khiến niêm mạc đại tràng tổn thương và viêm nhiễm theo thời gian.

Do đó, lưu lượng máu tuần hoàn qua niêm mạc ruột kết bị thay đổi bất ngờ, phân bổ không đều mà chỉ tập trung vào một số vị trí nhất định, từ đó kéo theo phản ứng viêm và sinh ra bờm mỡ.

Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, bệnh viêm bờm mỡ đại tràng chỉ xuất hiện chủ yếu ở những người 40 – 50 tuổi, bị thừa cân – béo phì và có thói quen ăn uống không khoa học.

Bệnh viêm bờm mỡ đại tràng có nguy hiểm không?

Căn bệnh hiếm gặp này thường có mức độ từ nhẹ đến trung bình. Viêm bờm mỡ đại tràng sẽ tự động thuyên giảm chỉ sau 5 – 7 ngày. Hiện nay, hiếm có trường hợp nào cần phải phẫu thuật can thiệp. Tuy nhiên, vấn đề này cũng có thể dẫn đến một số biến chứng như: dính ruột, tắc ruột, lồng ruột, viêm phúc mạc, hình thành ổ áp xe ở đường ruột.

Bệnh có nguy hiểm không?
Bệnh viêm bờm mỡ đại tràng có nguy hiểm không?

Những biến chứng trên tương đối nghiêm trọng và có khả năng đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân. Do đó, ngay khi cảm thấy đau vùng bụng dưới âm ỉ, độc giả cần chủ động thăm khám chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và chữa trị kịp thời.

Biện pháp chẩn đoán bệnh viêm bờm mỡ đại tràng

Khi thăm khám lâm sàng, đầu tiên, bác sĩ sẽ tìm hiểu và ghi nhận những triệu chứng lâm sàng mà người bệnh đang gặp phải. Các cơn đau thường xuyên khởi phát ở vị trí 1/4 bụng dưới bên trái, nhất là khi bạn ho, hít thở sâu hoặc dùng tay ấn vào thành bụng. Tuy nhiên, dấu hiệu nhận biết này tương đối mơ hồ. Vì vậy, để chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm hình ảnh như:

Siêu âm

Trên kết quả siêu âm, vị trí viêm bờm mỡ đại tràng là hình ảnh một khối tăng âm hình bầu dục hoặc hình tròn nằm giữa đại tràng. Chúng có viêm giảm âm nhẹ bao quanh nhưng không xẹp đi khi ấn vào.

Nếu tiến hành siêu âm bằng Doppler màu, bác sĩ sẽ không tìm thấy dấu hiệu của những mạch máu trong khối. Kỹ thuật này vừa giúp chẩn đoán bệnh lý chính xác vừa có giá trị phân biệt với một số tình trạng viêm khác (viêm túi thừa đại tràng, viêm ruột thừa…).

Chụp CT

Phương pháp này có thể mang đến hình ảnh đặc trưng hơn hẳn so với siêu âm. Hình ảnh chụp CT cho thấy một cấu trúc liền kề đại tràng có hình trứng và đậm độ mỡ. Với đường kính khoảng 1.5 – 3.5cm, nó được bao quanh bởi một đường viền đậm dày chừng 1 – 3 mm.

Hình ảnh này cũng cho thấy phúc mạc ở vùng lân cận đang từ từ dày lên do sự lan rộng của tình trạng viêm nhiễm. Bên cạnh đó, sự tăng dần độ đậm của cản quang trung âm có thể bắt nguồn từ hiện tượng thuyên tắc tĩnh mạch. Trong một số ít trường hợp, lượng bờm mỡ bị viêm tỷ lệ thuận với độ dày thành đại tràng lân cân.

Chụp MRI

Hình ảnh MRI mô tả một khối tín hiệu cao tròn so với tín hiệu giảm nhẹ của mỡ thường. Trong một số ca bệnh, chúng ta có thể nhận thấy tín hiệu cao và giảm dần khi tín hiệu trên xung xóa mỡ với viền tăng tín hiệu xung quang 2 – 3 cm và có tín hiệu thấp ở tĩnh mạch trung tâm. Thế nhưng, bác sĩ chuyên khoa hiếm khi chỉ định chụp MRI để chẩn đoán bệnh viêm bờm mỡ đại tràng.

Phương pháp điều trị viêm bờm mỡ đại tràng

Viêm bờm mỡ đại tràng là bệnh lý hiếm gặp, khó chẩn đoán lâm sàng và dễ bị nhầm lẫn với một số vấn đề đường ruột khác như: viêm ruột thừa, viêm đại tràng, viêm túi thừa đại tràng… Tuy nhiên, căn bệnh này có thể thuyên giảm chỉ sau 5 – 7 ngày. Tự chăm sóc tại nhà và sử dụng thuốc Tây là hai phương pháp điều trị phổ biến nhất hiện nay. Hiếm có trường hợp nào cần phẫu thuật can thiệp.

Sử dụng thuốc Tây

Tuy bệnh viêm bờm mỡ đại tràng có thể tự khỏi chỉ sau vài ngày nhưng các triệu chứng có thể ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Để cải thiện cơn đau, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định người bệnh dùng một số loại thuốc sau:

Phương pháp điều trị viêm bờm mỡ đại tràng
Để cải thiện cơn đau, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định người bệnh sử dụng một số loại thuốc như: paracetamol, ibuprofen và thuốc kháng sinh.
  • Paracetamol: Vì tương đối an toàn ở liều điều trị nên paracetamol được ưu tiên sử dụng. Thế nhưng, bệnh nhân bị suy thận, viêm gan, thiếu máu, thiếu hụt men G6PD cần khai báo với bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn sử dụng loại thuốc khác.
  • Ibuprofen: Đây là một loại thuốc kháng viêm, giảm đau không chứa steroid. Tác dụng của ibuprofen mạnh hơn so với paracetamol. Tuy nhiên, ibuprofen không phù hợp với những người đang bị viêm loét dạ dày – tá tràng tiến triển hoặc có tiền sử xuất huyết tiêu hóa.
  • Kháng sinh: Kháng sinh có thể được kê đơn cho những trường hợp viêm bờm mỡ đại tràng khởi phát sau khi bị viêm đại tràng cấp hoặc viêm ruột thừa. Loại thuốc này giúp phòng ngừa tình trạng viêm nhiễm và ngăn ngừa biến chứng viêm phúc mạc, áp xe…

Thông thường, căn cứ vào mức độ triệu chứng, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định bệnh nhân dùng thuốc trong vòng 3 – 7 ngày. Nếu bị đau nặng trên 7 ngày, bạn cần trao đổi với bác sĩ để tìm ra phương pháp điều trị đặc hiệu và phù hợp.

Phẫu thuật can thiệp

Phương pháp này sẽ được cân nhắc thực hiện khi công tác điều trị bảo thủ đi kèm xu hướng tái phát. Các bác sĩ chuyên khoa thường ưu tiên mổ nội soi ổ bụng thông qua cách tiếp cận đơn giản, buộc thắt, sau đó loại bỏ phần bờm mỡ bị viêm nhiễm.

Sau khi phẫu thuật, người bệnh có thể hồi phục nhanh chóng. Thế nhưng, phẫu thuật can thiệp cũng thường gây ra nhiều biến chứng khó lường như: chảy máu, nhiễm trùng, phản ứng với thuốc mê.

Biện pháp chăm sóc và phòng ngừa

Chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình điều trị – phòng ngừa bệnh viêm bờm mỡ đại tràng. Để cải thiện triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng và tăng cường sức khỏe, độc giả cần:

  • Nghỉ ngơi thư giãn hoàn toàn trong vòng 3 – 5 ngày kể từ khi bệnh lý khởi phát
  • Hạn chế căng cơ bụng và vận động mạnh
  • Ưu tiên dung nạp các món ăn mềm lỏng, dễ tiêu hóa, giàu dinh dưỡng
  • Kiêng cữ thuốc lá, trà đặc, rượu bia, nước ngọt, cà phê
  • Duy trì tâm trạng thoải mái, vui vẻ, lạc quan
  • Tập thể dục thường xuyên và điều độ
  • Ăn chậm nhai kỹ và ăn chín uống sôi
  • Kiểm soát cân nặng
  • Điều trị triệt để các vấn đề về đường ruột như: viêm đại tràng, viêm túi thừa…

Bệnh viêm bờm mỡ đại tràng tương đối hiếm gặp và thường tự thuyên giảm chỉ sau khoảng 5 – 7 ngày mà không cần can thiệp điều trị. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, căn bệnh này có thể tái phát và dẫn đến một số biến chứng phức tạp. Vì vậy, ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, bạn cần chủ động thăm khám bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt.

Post Comment