Một số lưu ý và cách sử dụng thuốc dạ dày chữ P (Phosphalugel)

Thuốc dạ dày chữ P (Phosphalugel) là một trong những nhóm thuốc kháng axit với thành phần chủ yếu là Aluminium phosphate 20%. Có công dụng chính là làm giảm các triệu chứng do tăng tiết axit dạ dày như nóng rát, ợ nóng, ợ hơi, đau thượng vị dẫn đến khó chịu ở người bệnh.

Một số thông tin chi tiết về thuốc dạ dày chữ P – Phosphalugel

Thuốc dạ dày chữ P – Phosphalugel được sản xuấ bởi Công ty Pharmatis Z.A Est No 1 – Pháp. Thuốc được bào chế ở dạng hỗn dịch uống với công dụng chính là làm giảm nhanh các triệu chứng như nóng rát thượng vị, đau bao tử, khó chịu ở người bị bệnh về dạ dày… Hiện nay, loại thuốc này đã được nhập khẩu chính hãng vào nước ta và đã được bày bán rộng rãi tại các quầy thuốc trên toàn quốc.

Một số thông tin cần biết về thuốc Phosphalugel chữa đau bao tử:

  • Tên thuốc: Phosphalugel (hay còn gọi là thuốc chữ P)
  • Phân nhóm: Thuốc điều trị bệnh tiêu hóa/ Thuốc kháng axit (antacid)
  • Dạng bào chế: Hỗn dịch uống
  • Thành phần chính: Aluminium phosphate 20%
  • Quy cách: Hộp 26 gói x 20g
  • Nhà sản xuất: Công ty Pharmatis Z.A Est No 1 – Pháp
  • Nhập khẩu bởi: Vimedimex Bình Dương
  • SĐK: VN-7612-03
  • XCQC số: 5/2019/XNQC-QLD

Thành phần của thuốc đau bao tử chữ P

Thuốc đau bao tử chữ P (Phosphalugel) chứa thành phần chính là Aluminium phosphate 20% (tương đương 12.380g/ gói). Hoạt chất này thuộc nhóm kháng axit (antacid) được sử dụng để điều trị các triệu chứng do tăng tiết axit dạ dày gây ra.

cách uống thuốc đau bao tử chữ p
Thuốc có khả năng giảm độ axit của dịch vị dư thừa và cải thiện các triệu chứng khó chịu

Sau khi được dung nạp, Aluminium phosphate có thể giảm độ axit của dịch vị dư thừa nhưng không gây trung hòa. Bên cạnh đó, hoạt chất này hoạt động như một lớp màng bảo vệ niêm mạc thực quản, dạ dày, từ đó làm giảm các triệu chứng khó chịu và đem lại cảm giác dễ chịu chỉ sau một thời gian ngắn.

Công dụng – Chỉ định

Với cơ chế trên, thuốc Phosphalugel có khả năng bảo vệ ổ viêm loét, niêm mạc đường tiêu hóa trên và giảm các triệu chứng khó chịu như nóng rát thượng vị, đau dạ dày và khó chịu.

Thuốc đau dạ dày chữ P được chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Viêm dạ dày cấp – mãn tính
  • Loét dạ dày – tá tràng
  • Viêm thực quản
  • Trào ngược dạ dày thực quản
  • Tăng tiết axit dạ dày do chế độ ăn uống thiếu khoa học, hút thuốc lá thường xuyên hoặc do stress
  • Biến chứng thoát vị cơ hoành
  • Bệnh Crohn (viêm đại tràng mãn tính)

Ngoài ra, thuốc cũng có thể được sử dụng trong những trường hợp khác không được đề cập trong nội dung bài viết. Nếu có ý định dùng thuốc với mục đích khác, vui lòng thông báo với bác sĩ/ dược sĩ để được tư vấn cụ thể.

Chống chỉ định

Không sử dụng thuốc Phosphalugel cho những trường hợp sau:

  • Bệnh thận nặng
  • Quá mẫn với bất cứ thành phần nào trong thuốc

Cách sử dụng thuốc đau dạ dày chữ P

Thuốc đau dạ dày chữ P được sử dụng bằng cách uống trực tiếp (không pha loãng với nước). Theo thông tin từ nhà sản xuất, nên sử dụng thuốc khi cơn đau và các triệu chứng khó chịu bùng phát hoặc có thể dùng theo hướng dẫn của bác sĩ.

Liều lượng tham khảo:

  • Dùng từ 1 – 2 gói/ lần
  • Sử dụng 2 – 3 lần/ ngày (không sử dụng quá 6 gói/ ngày)

Thuốc dạ dày chữ P uống trước hay sau khi ăn?

Thuốc dạ dày chữ P uống trước hay sau ăn là thắc mắc của nhiều bạn đọc. Loại thuốc này thuộc nhóm antacid (thuốc kháng axit) nên được khuyến cáo dùng sau bữa ăn 1 – 2 giờ đồng hồ hoặc dùng khi các triệu chứng khó chịu bùng phát.

Trên thực tế, liều lượng dùng thuốc Phosphaluge cũng có thể được cân chỉnh tùy theo mức độ đáp ứng và tình trạng sức khỏe. Vì vậy nếu không nhận thấy hiệu quả khi sử dụng, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được hiệu chỉnh liều lượng phù hợp.

Một số lưu ý khi dùng thuốc chữ P trị đau bao tử

Thuốc đau bao tử chữ P được đánh giá khá an toàn và có thể sử dụng mà không cần toa của bác sĩ. Tuy nhiên trên thực tế, dùng thuốc không đúng cách có thể gây ra nhiều rủi ro và tác dụng không mong muốn. Chính vì vậy trước khi sử dụng loại thuốc này, nên chú ý một số vấn đề quan trọng.

1. Thận trọng

Khi dùng thuốc, cần lưu ý đến những rủi ro và nguy cơ sau:

thuốc dạ dày chữ p uống trước hay sau ăn
Phụ nữ mang thai nên tham vấn y khoa trước khi sử dụng thuốc đau bao tử chữ P
  • Thuốc đau dạ dày chữ P là thuốc điều trị, không phải là sản phẩm hỗ trợ hay thực phẩm chức năng.
  • Hoạt chất Aluminium phosphate trong thuốc được đào thải qua thận. Vì vậy, người bị suy thận nên thông báo với bác sĩ tình trạng sức khỏe để được cân chỉnh liều lượng. Nếu tự ý dùng thuốc, tuyệt đối không dùng quá 4 gói/ ngày và tránh sử dụng trong thời gian dài.
  • Thuốc có chứa một lượng nhỏ Sorbitol – hoạt chất có tác dụng tăng nhu động ruột. Chính vì vậy trong thời gian sử dụng Phosphalugel, bạn có thể bị tiêu chảy nhẹ.
  • Thuốc chữa đau bao tử chữ P có chứa đường. Do đó, người mắc chứng bệnh di truyền hiếm gặp (không dung nạp fructose) không nên sử dụng loại thuốc này.
  • Đến gặp bác sĩ nếu triệu chứng không thuyên giảm sau 7 ngày sử dụng hoặc đau dạ dày đi kèm với các triệu chứng nghiêm trọng như sốt, buồn nôn, nôn mửa, người mệt mỏi, đi phân đen,…
  • Các nghiên cứu cho thấy, thuốc chữ P an toàn với phụ nữ mang thai và người đang cho con bú ở liều thông thường. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn và hạn chế tối đa rủi ro phát sinh, nên tham vấn y khoa trước khi sử dụng.
  • Để đảm bảo hiệu quả của thuốc, cần tránh dùng rượu bia, thuốc lá và hạn chế ăn đồ cay nóng, nhiều gia vị.
  • Lạm dụng thuốc chữ P và các loại thuốc kháng axit quá mức có thể gây “nhờn thuốc”. Trong trường hợp này, dạ dày có xu hướng sản xuất axit nhiều hơn bình thường và làm tăng tốc độ loét niêm mạc. Nếu nhận thấy triệu chứng nghiêm trọng dần theo thời gian, cần chủ động thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

2. Tác dụng phụ

Thuốc trị đau bao tử chữ P tương đối an toàn ở liều điều trị. Tuy nhiên ở một số ít trường hợp, thuốc có thể gây táo bón, đau bụng và tiêu chảy nhẹ. Tuy nhiên các triệu chứng này thường không rõ rệt và có xu hướng tự thuyên giảm sau khi ngưng thuốc.

3. Tương tác thuốc

Tất cả các loại thuốc kháng axit (bao gồm cả thuốc chữ P) đều làm thay đổi độ pH của dạ dày và gây ảnh hưởng tốc độ hấp thu của các loại thuốc khác. Do đó cần dùng các loại thuốc khác cách thời điểm dùng thuốc chữ P ít nhất 2 giờ đồng hồ.

cách sử dụng thuốc đau dạ dày chữ p
Cần dùng thuốc chữ P cách các loại thuốc khác ít nhất 2 giờ đồng hồ

Một số loại thuốc có khả năng tương tác với thuốc đau dạ dày chữ P:

  • Thuốc làm giảm hấp thu các loại thuốc chứa muối sắt, Naproxen, Clodiazepoxid, Indomethacin, Digoxin, Isoniazid,…
  • Thuốc làm tăng độ pH trong nước tiểu và làm giảm khả năng thải trừ các loại thuốc như Aspirin, Quinidin, Amphetamin,…
  • Thuốc làm tăng hấp thu các loại thuốc như Diazepam, Pseudoephedrin, Dicumarol,…

Để giảm nguy cơ gặp phải tương tác thuốc, nên thông báo với bác sĩ tất cả loại thuốc đang sử dụng – kể cả thuốc Đông y, thuốc nam và viên uống bổ sung. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ/ dược sĩ có thể giảm/ tăng liều hoặc thay đổi loại thuốc phù hợp hơn.

4. Nhận biết – xử lý quá liều

Sử dụng thuốc Phosphalugel quá liều có thể gây táo bón hoặc thậm chí tắc ruột. Do đó tuyệt đối không dùng quá 6 gói/ ngày. Nếu nhận biết dùng thuốc quá liều hoặc cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường, nên chủ động thông báo với bác sĩ để được tư vấn hướng xử lý.

5. Cách bảo quản

Thuốc đau dạ dày chữ P có hạn sử dụng 36 tháng kể từ ngày sản xuất. Để tránh ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc, cần bảo quản ở nhiệt độ phòng (23 – 29 độ C) và tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Đồng thời để xa tầm với của thú nuôi và trẻ nhỏ.

Lưu ý: Tuyệt đối không sử dụng thuốc quá hạn, biến chất hoặc có dấu hiệu hư hại.

Thuốc đau dạ dày Phosphalugel giá bao nhiêu tiền?

Thuốc trị đau bao tử chữ P – Phosphalugel có giá 52 đồng/ hộp 10 gói x 20g. Hiện nay, loại thuốc này được bày bán rộng rãi trên toàn quốc. Nếu có ý định sử dụng, bạn có thể tìm mua tại các quầy thuốc tư nhân.

Trên đây là những thông tin cơ bản về thuốc dạ dày chữ P – Phosphalugel. Tuy nhiên, nội dung trong bài viết chỉ có tính chất tham khảo. Vì vậy, bạn đọc cần tham khảo kỹ thông tin in trên bao bì hoặc trao đổi với bác sĩ/ dược sĩ trước khi sử dụng.

Post Comment