Viêm da tiếp xúc đa phần chỉ là căn bệnh gây ra những tổn thương không quá nghiêm trọng và có thể đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị trong y học hiện nay. Tuy nhiên ở một số trường hợp bệnh vẫn có thể tiến triển ngày một nặng hơn và kéo the đó là tình trạng bệnh kéo dài dai dẳng. Liệu bệnh viêm da tiếp xúc có để lại sẹo hay không? Đây là thắc mắc được rất nhiều người bệnh quan tâm, bởi sẹo không nguy hiểm nhưng lại gây ảnh hưởng xấu đến thẩm mỹ cho người bệnh.
Giải đáp thắc mắc: Viêm da tiếp xúc có để lại sẹo không?
Viêm da tiếp xúc là một trong những bệnh lý khá phổ biến về da, thường xảy ra trong trường hợp có tiếp xúc với chất dị ứng/ kích ứng. Lúc này bề mặt da sẽ bị đỏ lên, sưng viêm và kèm theo nổi mụn nước. Bên cạnh tổn thương da là tình trạng nóng rát và ngứa ngáy rất khó chịu. Nhiều trường hợp còn gặp phải một số triệu chứng toàn thân như sốt nhẹ, sưng hạch hay mệt mỏi.
Bệnh thường có xu hướng xảy ra ở trẻ nhỏ, những người có làn da mỏng, nhạy cảm hay người có cơ địa dị ứng. Đa phần các trường hợp bị viêm da tiếp xúc đều kích hoạt ở mức độ nhẹ, tổn thương không quá nghiêm trọng.
Thông thường, tổn thương do viêm da tiếp xúc có thể sẽ thuyên giảm sau khoảng từ 3 – 20 ngày chăm sóc và điều trị đúng cách. Hầu hết các trường hợp đều không để lại di chứng nặng nề.
Tuy nhiên, rất nhiều người bệnh thắc mắc “bị viêm da tiếp xúc có để lại sẹo hay không?”. Theo nhận định từ phía các chuyên gia Da liễu, bệnh viêm da tiếp xúc có để lại sẹo không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Cụ thể như:
1. Mức độ tổn thương
Trường hợp phát hiện sớm thì tổn thương do viêm da tiếp xúc chỉ kích hoạt ở mức độ nhẹ. Lúc này việc điều trị trở nên dễ dàng hơn, tổn thương thường có khả năng đáp ứng tốt với các giải pháp và ít để lại thâm sẹo sau đó.
Tuy nhiên, nếu tổn thương da trở nên nặng nề hay lan tỏa trên phạm vi rộng thì rất khó kiểm soát. Nghiêm trọng nhất là khi có bội nhiễm xảy ra. Lúc này tổn thương da thường sâu, gây đau dữ dội và việc hình thành thâm sẹo sau điều trị là rất khó tránh khỏi.
2. Đặc tính của làn da
Yếu tố này cũng liên quan trực tiếp đến vấn đề bệnh viêm da tiếp xúc có để lại sẹo hay không. Thực tế cho thấy, những người có làn da khỏe mạnh thì tốc độ phục hồi tổn thương thường nhanh và ít gây ra thâm sẹo. Trong khi đó, những người có làn da mỏng và nhạy cảm thì tổn thương thường chậm lành, kéo dài và dễ để lại sẹo.
Ngoài ra, việc hình thành sẹo hay không còn liên quan đến vị trí của vùng da bị ảnh hưởng. Các vùng da ở mặt, cổ hay bẹn thường mỏng và có độ nhạy cảm hơn nên có thể chậm lành và dễ gây sẹo hơn các vùng da tay chân.
3. Tác nhân gây kích ứng
Mức độ tổn thương la là nặng hay nhẹ cũng phụ thuộc rất nhiều vào tác nhân gây dị ứng/ kích ứng. Nếu là do ánh sáng, xà phòng, ma sát… thì da thường bị tổn thương nhẹ và phục hồi nhanh.
Còn nếu tổn thương khởi phát do tiếp xúc với mỹ phẩm chứa thành phần kích ứng, hóa chất, nọc độc côn trùng thì da rất dễ bị tổn thương nặng. Lúc này tốc độ phục hồi thường rất chậm và để lại sẹo.
4. Chế độ chăm sóc và điều trị
Trường hợp can thiệp chăm sóc và điều trị sớm thì trình trạng viêm da tiếp xúc sẽ sớm được kiểm soát, ít phát sinh bội nhiễm và để lại sẹo. Tuy nhiên nếu chủ quan không điều trị hay điều trị không đúng cách thì tổn thương sẽ trở nên nặng nề.
Đặc biệt là khi cào gãi và chà xát lên da để giải tỏa cơn ngứa sẽ dễ phát sinh tổn thương thứ phát, chảy máu và tăng nguy cơ nhiễm trùng. Lúc này, nguy cơ hình thành thâm sẹo nặng là rất cao.
Cách ngăn ngừa hình thành sẹo khi bị viêm da tiếp xúc
Sẹo thâm mặc dù không gây ra bất cứ nguy hiểm nào nhưng lại trực tiếp ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của làn da. Đặc biệt là nó thường tồn tại lâu dài, khó mất gây tâm lý tự ti, nhất là khi xuất hiện trên vùng mặt.
Bạn cần chủ động thực hiện các biện pháp ngăn ngừa và làm mờ sẹo khi bị viêm da tiếp xúc:
1. Điều trị càng sớm càng tốt
Đây là cách tốt nhất giúp bạn kiểm soát nhanh chóng tổn thương trên da, tránh chúng lan rộng. Đồng thời điều trị sớm cũng giảm thiểu được mức độ hư hại lớp thượng bì. Từ đó ngăn ngừa nguy cơ hình thành thâm sẹo.
Ngoài ra, việc điều trị sớm còn giúp khắc phục các triệu chứng ngứa ngáy, châm chích và nóng rát. Hạn chế được nhiều biến chứng của bệnh như viêm da tiếp xúc bội nhiễm hay chàm hóa da.
Sử dụng thuốc được cho là giải pháp điều trị chính khi bị viêm da tiếp xúc. Cần tìm gặp bác sĩ để được chỉ định dùng thuốc phù hợp. Các thuốc được dùng có thể là:
- Hồ nước, dung dịch Jarish, kẽm oxide: Có tác dụng làm dịu da và sát trùng nhẹ. Thường được chỉ định trong thời gian da bị viêm đỏ, nổi mụn nước trên bề mặt và có dấu hiệu phù nề.
- Thuốc bôi corticoid và kháng sinh tại chỗ: Có khả năng làm giảm ngứa nhanh, chống viêm và ngăn ngừa nhiễm trùng. Có thể được kê toa khi mụn nước đã khô lại và bong vảy.
- Thuốc tím và kháng sinh đường uống: Được dùng trong trường hợp có bội nhiễm xảy ra. Các thuốc này có khả năng kiểm soát nhiễm trùng và hạn chế tổn thương trên da.
- Thuốc kháng histamine tổng hợp: Được chỉ định trong trường hợp tổn thương da gây ngứa ngáy dữ dội. Cetirizin, Loratadin, Chlorpheniramine… là những loại thuốc kháng histamine tổng hợp được dùng phổ biến nhất trong điều trị viêm da tiếp xúc.
2. Chú ý làm sạch và chăm sóc da đúng cách
Làm sạch và chăm sóc da đúng cách cũng là yếu tố đóng vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát bệnh viêm da tiếp xúc. Không chỉ làm tăng tốc độ phục hồi da, làm giảm ngứa ngáy mà còn hạn chế nguy cơ hình thành thâm sẹo.
Cần chú ý thực hiện một số giải pháp dưới đây:
- Với trường hợp da bị kích ứng do tiếp xúc với côn trùng, mủ thực vật, hóa chất, mỹ phẩm… thì cần rửa sạch da trong vài ba phút ngay sau khi tiếp xúc. Cách này sẽ giúp loại bỏ chất gây kích ứng và hạn chế tổn thương da lan rộng.
- Vệ sinh da 2 lần/ngày với dung dịch nước muối sinh lý hay các sản phẩm làm sạch lành tính, dịu nhẹ.
- Trường hợp tổn thương da khô lại, bong tróc vảy thì nên dùng kem dưỡng ẩm với tần suất 2 – 3 lần/ngày để hạn chế bong tróc, làm dịu da và giảm ngứa. Bên cạnh tác dụng dưỡng ẩm thì kem dưỡng còn giúp thúc đẩy quá trình phục hồi và hạn chế hình thành sẹo.
- Trong thời gian điều trị viêm da tiếp xúc nên hạn chế di chuyển cũng như hoạt động ngoài trời. Trường hợp bắt buộc phải tiếp xúc với ánh nắng, hãy che chắn cẩn thận và thoa kem chống nắng để bảo vệ da. Bởi tia UV từ ánh nắng có thể sẽ kích thích sản sinh melanin, tăng nguy cơ hình thành thâm sạm trên da.
- Tránh để da tiếp xúc với các tác nhân dị ứng/ kích ứng như hóa chất, mỹ phẩm chứa chất kích ứng, xà phòng, nhựa mủ thực vật, côn trùng… Việc tiếp xúc với dị nguyên có thể khiến tổn thương da lan rộng, nặng nề và dễ gây ra sẹo thâm.
3. Kiêng cào gãi, chà xát lên da
Ngoài những tổn thương trên da thì bệnh viêm da tiếp xúc còn gây ngứa ngáy, châm chích rất khó chịu. Điều này làm kích hoạt các phản ứng cào gãi, chà xát lên bề mặt da để giải tỏa cơn ngứa.
Chính thói quen này đã khiến cho tổn thương da trở nên nặng nề, nghiêm trọng. Lúc này, các tổn thương thứ phát rất dễ phát sinh, da thường bị trợt loét, chảy máu, dễ bị nhiễm trùng. Từ đó gây ra thâm sẹo sau điều trị. Chính vì thế để ngăn ngừa thâm sẹo, cần kiêng cữ việc cào gãi, chà xát hay tác động cơ học lên bề mặt da đang tổn thương.
4. Chú ý đến chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống cũng được cho là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ phục hồi tổn thương da do viêm da tiếp xúc. Ăn uống lành mạnh không chỉ giúp chống viêm mà còn kích thích sản sinh các tế bào da mới để tổn thương nhanh chóng được chữa lành, giảm hình thành thâm sẹo.
Nên chú ý đến các vấn đề sau:
- Bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể, từ 2 – 2,5 lít/ngày.
- Ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi để cung cấp vitamin và khoáng chất.
- Hạn chế thức ăn nhanh, nhiều gia vị hay nhiều dầu mỡ
- Không nên ăn thịt bò, rau muống, hải sản…
- Tuyệt đối không uống rượu bia, cà phê, trà đặc
5. Ngừa thâm sẹo bằng các giải pháp tự nhiên
Khi triệu chứng trên da đã thuyên giảm hẳn, bạn có thể tận dụng một số nguyên liệu tự nhiên để hỗ trợ làm giảm thâm sẹo, đều màu da. Đồng thời giúp cho làn da được sáng khỏe, giữ độ ẩm tự nhiên, phục hồi màng lipid bảo vệ.
Dưới đây là một số gợi ý về các giải pháp tự nhiên ngăn ngừa thâm sẹo do viêm da tiếp xúc:
– Công thức ngừa sẹo với mật ong và bột nghệ:
Bột nghệ là nguyên liệu quen thuộc chứa hàm lượng vitamin A và hoạt chất Curcumin dồi dào. Trong đó, vitamin A có khả năng loại bỏ các tế bào hư tổn và thúc đẩy tái tạo các tế bào da mới. Còn hoạt chất Curcumin lại có tác dụng chống oxy hóa, tiêu trừ gốc tự do và làm giảm số lượng sắc tố melanin. Từ đó không chỉ giúp cải thiện màu da mà còn giảm nguy cơ hình thành thâm sẹo.
Công thức này còn có thêm mật ong với tác dụng dưỡng ẩm sâu, làm dịu và thúc đẩy phục hồi hàng rào bảo vệ da. Thường xuyên sử dụng mặt nạ từ mật ong và bột nghệ sẽ làm tăng tốc độ phục hồi, tăng đề kháng cho da, nuôi dưỡng làn da khỏe mạnh và đặc biệt là ngăn ngừa thâm sẹo rất tốt.
Cách thực hiện:
- Trộn đều bột nghệ và mật ong theo tỷ lệ 1:2 (nếu hỗn hợp quá đặc có thể cho thêm 1 ít nước ấm)
- Vệ sinh vùng da ảnh hưởng, lau khô rồi thoa hỗn hợp này lên
- Để yên trong vòng 15 phút rồi dùng nước ấm rửa lại cho sạch
- Với công thức này nên áp dụng khoảng 3 – 4 lần/ tuần.
– Dùng nha đam ngừa thâm sẹo do viêm da tiếp xúc:
Nha đam là nguyên liệu làm đẹp và chăm sóc da quen thuộc, lành tính có thể phù hợp với cả những người có làn da nhạy cảm và dễ kích ứng. Bên cạnh tác dụng dưỡng ẩm và làm mềm da thì nha đam còn giúp thúc đẩy tái tạo tế bào và phục hồi màng lipid bảo vệ da.
Mặc dù không có tác dụng ngừa thâm sẹo trực tiếp nhưng dùng nha đam thường xuyên sẽ làm tăng sức đề kháng tự nhiên cho da. Nhờ đó có thể giúp da sáng khỏe, đều màu và giảm thương tổn do bệnh viêm da tiếp xúc gây ra.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch 1 lá nha đam tươi rồi gọt bỏ vỏ và làm sạch mủ để tránh gây kích ứng
- Cạo lấy phần gel trong suốt bên trong lá nha đam
- Vệ sinh vùng da tổn thương, lau khô rồi thoa gel nha đam lên
- Giữ nguyên khoảng 10 – 15 phút rồi dùng nước sạch rửa lại
– Áp dụng công thức từ dâu tây và sữa chua:
Ngoài ra, bạn cũng có thể ngừa thâm sẹo khi bị viêm da tiếp xúc với công thức từ dâu tây và sữa chua. Hàm lượng acid lactic dồi dào trong sữa chua có tác dụng làm sạch da từ sâu trong nang lông, loại bỏ tế bào chết và cải thiện tình trạng da khô ráp.
Còn dâu tây lại chứa hàm lượng các chất chống oxy hóa và vitamin C dồi dào. Nhờ đó mà có khả năng cải thiện độ đàn hồi, làm sáng và đều màu da, hạn chế hình thành thâm sẹo xấu xí.
Cách thực hiện:
- Nghiền nát 1 quả dâu tây rồi đem trộn với 1 thìa sữa chua không đường
- Làm sạch da, lau khô rồi thoa hỗn hợp này lên
- Massage nhẹ nhàng vài ba phút rồi để khô tự nhiên thêm 10 phút nữa
- Cuối cùng dùng nước mát rửa lại cho sạch
- Với công thức này có thể áp dụng khoảng từ 2 – 3 lần/ tuần
Bệnh viêm da tiếp xúc có khả năng để lại sẹo nếu không sớm can thiệp và xử lý đúng cách. Trong trường hợp tổn thương nhẹ, các giải pháp tự nhiên có thể ngăn ngừa và làm mờ thâm sẹo rất tốt nhưng cần thời gian lâu dài. Còn nếu tổn thương nặng nề, để lại thâm sẹo lớn thì tốt nhất nên trao đổi với bác sĩ đẻ được tư vấn về sản phẩm ngăn ngừa và điều trị sẹo đặc hiệu.
Tìm hiểu thêm:
- Viêm da tiếp xúc cần kiêng gì để bệnh không nặng thêm?
- Viêm da tiếp xúc do côn trùng: Cách xử lý và phòng ngừa