Dấu hiệu nhận biết và phương pháp điều trị bệnh chàm sữa

Chàm sữa hay còn được gọi là lác sữa là một trong những căn bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh, có đến 20% trẻ em sinh ra đã mắc phải căn bệnh chàm sữa với đặc trưng là các mảng da khô, có vảy nhỏ li ti thường xuất hiện ở mặt, má, có thể lan ra tứ chi hay thân mình. Chàm sữa hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau nên nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách có thể chuyển biến thành căn bệnh mãn tính, và đặc biệt có thể tái đi tái lại nhiều lần khiến bé vô cùng khó chịu.

Chàm sữa là bệnh thường gặp, có đến 20% trẻ sinh ra mắc phải bệnh chàm sữa
Chàm sữa là bệnh thường gặp, có đến 20% trẻ sinh ra mắc phải bệnh chàm sữa

Dấu hiệu nhận biết và phương pháp điều trị bệnh chàm sữa

Chàm sữa là một dạng tổn thương viêm da mãn tính, thông thường tỷ lệ mắc chàm sữa ở trẻ là 20% trong tổng số các em bé được sinh ra. Đây là một vấn đề thường gặp, theo thống kê, cứ 100 em bé ra đời thì có khoảng 20 bé mắc phải tình trạng này. Chàm sữa không lây, không đe dọa tính mạng nhưng lại khiến bé vô cùng khó chịu. Bởi lẽ nếu thông thường bé ăn ngoan, ngủ ngon thì khi bị chàm sữa, con sẽ hay gắt gỏng, gào khóc, dùng tay cào bấu lên mặt, khó ăn, khó ngủ, ngủ không sâu giấc…

Chàm sữa là giai đoạn đầu của bệnh chàm thể tạng. Tức là nếu bệnh tái đi tái lại nhiều lần, bệnh sẽ trở thành chàm thể tạng. Hiện nay, mặc dù nguyên nhân gây bệnh cụ thể vẫn chưa được xác định chắc chắn nhưng thường liên quan đến cơ địa của bé. Những bé có cơ địa dễ dị ứng hoặc có cha mẹ bị dị ứng da, dị ứng thời tiết, mề đay, hen suyễn thì bé rất dễ mắc bệnh chàm sữa. 

Các nguyên nhân gây chàm sữa thường gặp có thể kể đến như:

  • Do gia đình có tiền sử mắc viêm da dị ứng, dị ứng thời tiết, mề đay mẩn ngứa, hen suyễn hoặc do cơ địa của bé dễ bị dị ứng
  • Do bé bị dị ứng từ nguồn sữa mẹ hoặc thức ăn dặm. Nếu mẹ thường xuyên ăn hoặc cho bé ăn nhiều đồ hải sản, đồ tanh, giàu đạm… trong khi cơ địa bé dễ dị ứng thì bé sẽ có nguy cơ bị chàm sữa rất cao. Lý do là lúc này cơ thể con sản sinh ra kháng nguyên phản ứng với các protein lạ trong nguồn sữa hoặc thức ăn, từ đó gây bệnh chàm sữa.
  • Do các tác nhân gây dị ứng có nguồn gốc từ bên ngoài như nấm mốc, bụi bẩn, ve, bọ chét, mạt… trong nệm, gối, chăn khăn chó mèo. Bên cạnh đó, các nguyên nhân gây bệnh chàm sữa cho bé cũng có thể là gián, lông chó, lông mèo, nhiễm khuẩn, cách cho bú…

Chàm sữa là bệnh có sự phối hợp sữa 2 yếu tố là chất gây dị ứng và cơ địa dị ứng. Bên cạnh những nguyên nhân kể trên, một số yếu tố làm gia tăng tình trạng bệnh khiến bé dễ bị chàm nghiêm trọng là các chất gây kích ứng da (bột giặt, khói thuốc, xà bông, thuốc tẩy, vải len…), các dị nguyên (thú nuôi, thức ăn, không khí), khí hậu (nóng, lạnh, khô), da không được vệ sinh đúng cách (tắm nhiều lần, tắm rửa lâu, da khô), nhiễm khuẩn, nhiễm virus.

Biểu hiện của bệnh chàm sữa

Chàm sữa hay lác sữa là bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm da cơ địa như nổi mề đay, vảy phấn trắng, chốc lây… Bệnh không chỉ khiến bé khó chịu, ngứa ngáy, ngủ không ngon giấc mà có thể chuyển biến thành bệnh mãn tính nếu không được chăm sóc đúng cách. Do đó, mẹ nên nắm được các dấu hiệu của bệnh để có biện pháp xử lý phù hợp. Chàm sữa là bệnh hay gặp ở trẻ nằm trong độ tuổi từ 2 tháng đến 2 tuổi. 

Mặt nổi sẩn đỏ với các vảy, mụn nước li ti, da thô ráp là biểu hiện đặc trưng của bệnh chàm sữa
Mặt nổi sẩn đỏ với các vảy, mụn nước li ti, da thô ráp là biểu hiện đặc trưng của bệnh chàm sữa

Đặc tính đặc trưng của bệnh là viêm da dị ứng với các dấu hiệu nhận biết sau:

  • Bệnh khởi đầu với những mẩn đỏ trên mặt, sau một vài ngày thì trở thành những mụn nước nhỏ li ti, có màu đỏ, với các bé có da khô, da sẽ bị nứt và rịn nước, sau đó đóng màu, tróc vảy
  • Da bé thường rất căng, sờ vào có cảm giác thô ráp và những vảy nhỏ li ti. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là tình trạng da bé đỏ ửng ở những vị trí cụ thể, kèm theo cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Do đó, đôi khi mẹ sẽ thấy bé quơ quơ tay lên mặt, dụi mặt vào gối hoặc chà tay vào đầu, bứt tóc cho đỡ ngứa và vô tình làm các mụn nước vỡ ra.
  • Các vị trí dễ bị chàm sữa ở trẻ thường là 2 bên má, mọc đối xứng nhau, có thể lan ra toàn thân, nhất là tai, đầu, cổ, khuỷu tay, mu bàn tay, cổ tay, sau đầu gối, mắt cá chân.. Hiếm khi thấy xuất hiện ở các vị trí nhưng vùng nách, vùng tã lót.
  • Nếu không được chăm sóc cẩn thận, các mụn nước vỡ ra sẽ gây bết dính, tạo thành lớp hóa sừng bì cứng, khi dùng khăn thấm nước lau nhẹ sẽ thấy khăn có màu vàng. Đôi khi vùng da bị chàm của bé còn có thể bị chảy máu. 
  • Sau khi xuất hiện khoảng 1 – 2 tuần, da non của bé sẽ bắt đầu tái tạo làm bé ngứa ngáy khó chịu, dẫn đến tình trạng bú kém, quấy khóc, ngủ không sâu giấc.

Phân loại chàm sữa ở trẻ

Chàm sữa là bệnh viêm da dị ứng gây ra các tổn thương như nứt nẻ, khô da, căng da, chảy máu, ngứa ngáy, khó chịu, đôi khi có bội nhiễm. Các tổn thương hay xuất hiện ở má, trán, cằm, tai nhưng không có ở mũi, mắt, vùng tã lót, vùng nách. Thực tế, chàm sữa được chia thành 3 dạng gồm chàm sữa cấp tính, chàm sữa mạnh tính và chàm sữa bán cấp. Cụ thể:

  • Chàm sữa cấp tính: Trẻ mắc chàm sữa cấp tính thường ở mức độ nhẹ với những biểu hiện như có tổn thương màu hồng kèm theo rỉ dịch và các mụn nước li ti, sau một thời gian thì đóng vảy và gây ngứa dữ dội
  • Chàm sữa mạn tính: Tái đi tái lại nhiều lần khiến da tổn thương nghiêm trọng với các mảng da dày, khô ráp, tróc vảy cùng nhiều rãnh ngang dọc và sự thay đổi của sắc tố da sau viê.
  • Chàm sữa bán cấp: Là loại chàm sữa nằm ở giai đoạn chuyển tiếp giữa cấp tính và mãn tính.

Khi bị chàm sữa, đôi khi bé còn có thêm các triệu chứng dị ứng của bệnh viêm mũi hay hen suyễn. Bệnh khiến trẻ ngủ không ngon giấc, quấy khóc, bú kém, suy giảm sức khỏe. Ở một số bé do ngứa dữ dội nên trẻ hay chà đầu, cọ mặt, bứt rứt gãi liên tục làm da rớm máu, chảy máu. Khi không được chăm sóc, giữ vệ sinh tốt sẽ làm da bé nhiễm khuẩn hoặc bội nhiễm, gây khó khăn cho việc điều trị, thậm chí còn để lại sẹo, ảnh hưởng đến thẩm mỹ sau này.

Bệnh chàm sữa ở trẻ cần được kịp thời nhận biết, điều trị và có biện pháp chăm sóc phù hợp. Mặc dù không đe dọa tính mạng nhưng bệnh có thể gây ra các biến chứng như chàm bị chốc hóa, viêm da mụn mủ dạng thủy đậu. Mẹ có thể phân biệt chàm với các bệnh ngoài da khác như sau:

  • Chốc lây: Da nổi bóng nước, mụn nước, sau vài ngày thì nhanh chóng thành mụn mủ rồi vỡ ra, khô lại, bên ngoài có lớp vảy vàng màu mật ong
  • Vảy phấn trắng: Bệnh làm giảm sắc tố da ở má, tay, thân trên làm những vùng da này có màu trắng đặc trưng biệt lập, phân biệt rõ ràng với các vùng da khác.
  • Mề đay mặt: Xuất hiện các sẩn đỏ nổi rải rác, không đối xứng trên cơ thể.

Phương pháp điều trị

Khi bé mắc chàm sữa, cách tốt nhất là mẹ nên nhanh chóng đưa con thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và có hướng điều trị thích hợp. Do da trẻ cực kỳ mẫn cảm, nên mẹ tuyệt đối không tự ý mua thuốc, dùng các bài thuốc dân gian hay đắp lá cho bé để tránh nhiễm khuẩn, bội nhiễm khiến tình trạng bệnh thêm nghiêm trọng hơn. Chàm sữa là bệnh dễ tái phát, đặc biệt là khi tiếp xúc với chất gây dị ứng hoặc khi thay đổi thời tiết.

Chàm sữa là bệnh dễ tái phát, cần điều trị để rút ngắn thời gian phát bệnh và ngăn ngừa tái phát
Chàm sữa là bệnh dễ tái phát, cần điều trị để rút ngắn thời gian phát bệnh và ngăn ngừa tái phát

Trẻ bị chàm sữa cần được chăm sóc, điều trị cẩn thận để bệnh nhanh lành và hạn chế tối đa nguy cơ tái phát. Trong thời gian mắc bệnh, trẻ cần được hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh, chăm sóc da bằng các sản phẩm đặc biệt được bác sĩ chỉ định. Một số cách điều trị chàm sữa có thể kể đến như:

  • Dưỡng ẩm cho da: Sử dụng chất giữ ẩm, dưỡng ẩm cho da là hết sức cần thiết, có thể dùng physiogel, ceradan, cetaphil…  Thoa sau khi tắm 3 phút, dùng 2 – 4 lần/ngày. Dưỡng ẩm cho da nhằm phục hồi hàng rào bảo vệ da và giảm tần suất tái phát.
  • Với trường hợp chàm cấp: Có thể dùng clobetasone butyrate 0.05% hoặc hydrocortisone 1% thoa tại chỗ 1 – 2 lần/ngày. Tuyệt đối chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ và chỉ dùng cho trường hợp bị chàm nặng vì loại thuốc mỡ này chứa corticoid, dùng không đúng cách sẽ khiến da bé bị tổn thương. Khi tổn thương da ở mức đỏ, khô, tróc vảy, có thể bôi eumovat trong thời gian ngắn; nến da khô, dày sừng thì bôi thuốc mỡ chứa corticosteroid phối hợp chất tiêu sừng như salicylic acid. 
  • Với trường hợp bội nhiễm, rỉ dịch: Có thể dùng eosin 2% hoặc milian 1%… thoa 2 lần/ngày. Khi trẻ ăn ngủ kém, quấy khóc do ngứa thì bác sĩ có thể kê thêm một số thuốc kháng histamin trị ngứa. Trong đó, milian có thành phần chính là xanh methylen, là chất sát khuẩn tại chỗ, có tác dụng điều trị nhiễm khuẩn, nhiễm virus, nếu dùng kéo dài ở trẻ nhỏ có thể gây đau đầu, buồn nôn. Còn eosin là thuốc có tác dụng sát khuẩn ngoài da, phù hợp với trường hợp tổn thương nhẹ, vết thương còn chưa ăn sâu vào da. 

Khi bé bị chàm sữa, trẻ cần được điều trị để bình thường hóa làn da, rút ngắn thời gian lành bệnh, hạn chế nguy cơ tái phát, tránh tiếp xúc với nguồn bệnh. Bạn tuyệt đối không được tự ý điều trị cho trẻ tại nhà. Bởi thực tế, đã có nhiều trường hợp mẹ tự ý dùng thuốc, đắp lá, tắm lá cho bé khiến bé bị viêm nhiễm, bội nhiễm. Một số thuốc bôi ngoài da có chứa corticosteroid khi không được sử dụng đúng cách, dùng lâu ngày sẽ khiến trẻ bị teo da, nhiễm nấm, mất màu da. Không những vậy, chúng còn có thể làm tình trạng bệnh của bé nghiêm trọng hơn, dễ bị nhiễm trùng và đặc biệt còn gây suy yếu tuyến thượng thận. 

Chăm sóc cho trẻ mắc bệnh chàm sữa

Để điều trị chàm sữa, bệnh cạnh việc dùng thuốc, điều trị theo phác đồ của bác sĩ, để trẻ bớt khó chịu, nhanh chóng khỏi bệnh, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý đến việc cho sóc cho bé. Khi con bị chàm sữa, cha mẹ nên:

  • Chọn loại quần áo phù hợp để mặc cho con, nên chọn vải bông, vải sợi tre hay 100% cotton nhưng tốt nhất nên chọn vải sợi tre vì chúng mềm mại, có khả năng thấm hút mồ hôi tốt. Tuyệt đối không nên cho trẻ mặc các loại quần áo quá nóng, gây bí bách như sợi len, sợi tổng hợp
  • Giữ nhiệt độ môi trường mát mẻ, ở mức ổn định, tránh thay đổi đột ngột. Tốt nhất nhiệt độ nên từ 26 – 28 độ C, thoáng mát, không quá lạnh, quá nóng hoặc quá khô.
  • Khi tắm cho bé, nên tắm bằng nước ấm, với trẻ dưới 6 tháng, mỗi lần tắm không quá 15 phút. Nên chọn sữa tắm có độ pH trung tính, sau khi tắm xong thì lau khô cho bé bằng khăn mềm, tuyệt đối không sử dụng phấn rôm cho bé. 
Khi con mắc chàm sữa, mẹ không nên tắm cho trẻ quá lâu, tránh tắm nước nóng và tránh dùng xà phòng tắm
Khi con mắc chàm sữa, mẹ không nên tắm cho trẻ quá lâu, tránh tắm nước nóng và tránh dùng xà phòng tắm
  • Trong thời gian bé bị chàm sữa, mẹ nên cắt ngắn móng tay móng chân, mang găng tay trong trường hợp bé cào gãi vùng da bị chàm gây chảy máu
  • Luôn giữ cho da bé khô ráo, tránh ẩm ướt nhiều mồ hôi, nên thay tã thường xuyên nhằm tránh gây kích ứng da. 
  • Đặc biệt, những bé đang bị chàm không nên tiêm chủng hoặc tiếp xúc với người mới tiêm chủng.

Bé bị chàm sữa mẹ nên kiêng gì?

Với những mẹ cho con bú trực tiếp bằng sữa mẹ, chế độ ăn của mẹ ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tình trạng bệnh của bé. Đây là lý do mẹ cần chú ý hơn đến chế độ ăn uống, có thể tạm thời gác lại một số thực phẩm để tránh bệnh bùng phát như:

  • Thực phẩm giàu chất tanh: Những thực phẩm này có khả năng kích thích phản ứng miễn dịch, dễ gây dị ứng do có chứa các phân tử protein kích thước nhỏ. Khi chúng đi vào cơ thể mẹ, có thể vào sữa, với những trẻ có cơ địa dị ứng rất dễ kích thích phản ứng miễn dịch cao. Các thực phẩm này là tôm nước ngọt hay nước mặt, cua biển, cua đồng, cá thu, cá hồi, tảo, cá nước ngọt các loại… 
  • Các thức ăn giàu chất cay, tê: Nếu mẹ thích những món ăn chua, cay xé lưỡi thì tốt nhất nên nhịn đến khi bé khỏi bệnh. Những thực phẩm chua cay có thể kích thích tiêu hóa mạnh nhưng chúng lại sản sinh tính ngứa, dễ gây kích thích tiết mồ hôi, gây ngứa, làm các đám sẩn chàm sữa trên người bé thêm lan rộng, ngứa ngáy hơn. Mẹ nên nhớ rằng, chỉ cần mẹ ăn một lượng thức ăn nhiều gia vị mạnh, lúc này sữa của mẹ sẽ nóng hơn bình thường, con càng bú càng bị chàm sữa nghiêm trọng hơn. 
  • Thức ăn giàu chất béo: Các thực phẩm giàu chất béo có chứa nhiều cholesterol, dầu, mỡ như thịt lợn mỡ, thịt gà mỡ, thịt ngỗng, thịt ngan, thịt vịt, lòng đỏ trứng gà, trứng cút lộn, trứng vịt lộn, các món chiên rán…Các món ăn này dễ làm bé khởi phát cơ địa dị ứng, làm các nốt chàm sữa phát sinh thêm, vùng da bị chàm sữa sắp khỏi cũng lâu khỏi hơn.

Biện pháp phòng ngừa bệnh chàm sữa

Chàm sữa là bệnh dễ tái đi tái lại nhiều lần, bệnh thường gây khó chịu và dễ ảnh hưởng đến sức khoẻ làn da của bé sau này. Các biện pháp phòng ngừa như sau:

  • Với trẻ có cơ địa dị ứng, nên hạn chế cho con ăn các thực phẩm dễ dị ứng như thực phẩm lên men, hải sản, đậu phộng, trứng
  • Tráng tắm lâu cho bé ở nước xà phòng, chỉ nên tắm 1 lần/ngày, tránh tắm nước quá nóng để tránh làm trẻ bị khô da do mất nước. 
  • Nên để da trẻ được “thở”, thoải mái hơn với các bộ quần áo được làm từ sợi thiên nhiên như sợi tre hoặc 100% cotton thay vì nhựa tổng hợp, sợi dặm
 Nên chọn quần áo có chất liệu tự nhiên, thoáng mát, thoải mái, hút mồ hôi tốt để phòng ngừa chàm sữa
Nên chọn quần áo có chất liệu tự nhiên, thoáng mát, thoải mái, hút mồ hôi tốt để phòng ngừa chàm sữa
  • Mẹ cũng nên chú ý đến chất liệu của chăn đệm, tránh lạm dụng kem dưỡng ẩm, nên tạo không gian thoáng mát, thoải mái cho bé, tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột.
  • Nên vệ sinh mặt, miệng cho trẻ sau mỗi lần bú hoặc mỗi lần ăn. Tránh cho trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như khói thuốc lá, khói bụi, nước hoa, lông chó mèo… 

Chàm sữa là bệnh thường gặp, tuy không gây nguy hiểm tính mạng nhưng lại ảnh hưởng đến bé yêu khiến con thường xuyên ngứa ngáy khó chịu, hơn nữa, nếu không được chăm sóc đúng cách sẽ rất dễ tái phát. Do đó, khi bé bị chàm sữa, cách tốt nhất là mẹ nên đưa con thăm khám bác sĩ để được điều trị và có hướng chăm sóc phù hợp.

Post Comment