Clo-Test trong xét nghiệm Hp và những điều cần biết?

CLO Test  được xem là phương pháp chẩn đoán sự hiện diện của vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp) thông qua kỹ thuật sinh thiết bệnh phẩm bằng cách nội soi, sau đó mới tiến hành test urease với dung dịch ure-indol để cho ra kết quả. Phương pháp xét nghiệm này được thực hiện đối với hầu hết các trường hợp nội soi đường tiêu hóa để phát hiện các ổ viêm, loét ở niêm mạc dạ dày hay tá tràng.

CLO Test là gì
CLO Test là gì?

 

CLO Test là phương pháp gì?

CLO-Test hay còn được gọi với tên khoa học là Campylobacter-Like Organism/ xét nghiệm nhanh urease là một trong những phương pháp chẩn đoán sử dụng mẫu bệnh phẩm thông thường là mô dạ dày bằng kỹ thuật nội soi rồi mới tiến hành test urease để xác định xem có sự hiện diện của vi khuẩn Helicobacter pylori ở niêm mạc tiêu hóa hay không.

Helicobacter pylori là một loại xoắn khuẩn gram âm có khả năng tồn tại và phát triển ở môi trường axit bên trong dạ dày. Vi khuẩn có khả năng bài tiết men urease nhằm trung hòa dịch vị và gây tổn thương niêm mạc.

Men urease từ hại khuẩn này có thể phân hủy ure thành carbondioxide (CO2) và ammoniac (NH3). Vì vậy, phương pháp CLO-Test tận dụng cơ chế này để xác định sự hiện diện của vi khuẩn. Nếu niêm mạc dạ dày có Helicobacter pylori, dung dịch thử nghiệm sẽ tăng độ pH và chuyển từ màu vàng sang đỏ hoặc hồng.

Chỉ định – Chống chỉ định

Xét nghiệm CLO-Test Hp được chỉ định trong hầu hết các trường hợp nội soi dạ dày có xuất hiện tổn thương dạng viêm hoặc loét tại niêm mạc hành tá tràng (phần đầu của ruột non) và niêm mạc dạ dày.

Tuy nhiên, phương pháp chống chỉ định với những đối tượng sau:

  • Các trường hợp không thể thực hiện nội soi dạ dày (thiếu máu cơ tim cấp, thủng dạ dày, nghi ngờ bỏng dạ dày do uống phải axit, suy hô hấp,…)
  • Người bị rối loạn đông máu, cầm máu với tỷ lệ Prothrombin < 50% và tiểu cầu < 50G/l

Chuẩn bị trước khi thực hiện CLO-Test

Trước khi thực hiện CLO-Test Hp, bệnh nhân phải nhịn ăn tối thiểu trong vòng 6 giờ và hạn chế sử dụng rượu bia, chất kích thích và các loại nước có màu trong ít nhất 5 giờ. Ngoài ra để đảm bảo an toàn, nên thông báo với bác sĩ tiền sử dị ứng, tình trạng sức khỏe và một số vấn đề quan trọng để được cân nhắc về rủi ro khi thực hiện nội soi.

làm clo test là gì
Không sử dụng rượu bia, cà phê và thức uống có màu ít nhất trong 5 giờ trước khi làm Clo-Test

Đối với những trường hợp đang sử dụng thuốc chống đông máu hoặc các loại thuốc ức chế ngưng tập tiểu cầu (Aspirin), cần ngưng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Tiếp tục sử dụng các loại thuốc này có thể gây chảy máu dạ dày kéo dài trong quá trình sinh thiết mô (lấy mẫu bệnh). Bên cạnh đó, bệnh nhân nên giữ tâm trạng thoải mái, thư giãn, tránh căng thẳng và kích động quá mức.

Quy trình thực hiện xét nghiệm CLO Test Hp

Xét nghiệm CLO-Test thường được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa và 2 điều dưỡng hỗ trợ để kịp thời xử lý nếu có vấn đề phát sinh. Trước khi thực hiện, bác sĩ cần tiến hành kiểm tra hồ sơ bệnh án, khám sức khỏe tổng quát (huyết áp, mạch, thể trạng,…) trước khi tiến hành nội soi và làm CLO-Test.

1. Nội soi, sinh thiết dạ dày

Bệnh nhân nằm nghiêng sang bên trái để chuẩn bị nội soi. Tuy nhiên trước khi thực hiện, điều dưỡng sẽ tiến hành tiêm thuốc chống co thắt (Spasfon, Buscopan) và thuốc an thần (nếu cần thiết).

Sau đó, bác sĩ đưa ống nội soi qua đường miệng và bơm hơi vào dạ dày để thiết bị nội soi hiển thị rõ hình ảnh bên trong niêm mạc. Cuối cùng, sử dụng kim sinh thiết lấy mẫu bệnh phẩm ở dạ dày (thường là ở vùng hang vị) và cho bệnh phẩm vào ống nghiệm.

2. Làm xét nghiệm CLO-Test

Bác sĩ tiến hành nhỏ dung dịch urea – indol vào ống nghiệm chứa bệnh phẩm và lắc nhẹ. Sau đó đợi từ 5 – 10 phút và đọc kết quả.

3. Kết quả xét nghiệm CLO-Test

Vi khuẩn Helicobacter pylori sản xuất ra men urease có khả năng phân hủy ure thành NH3 và CO2. NH3 (Amoniac) được giải phóng làm tăng độ pH trong dung dịch urea – indol và làm đổi màu dung dịch từ màu vàng sang màu đỏ hoặc hồng. Nếu có sự hiện diện của vi khuẩn ở mẫu bệnh phẫu, dung dịch sẽ đổi màu và ngược lại.

Cách đọc kết quả của xét nghiệm CLO-Test Hp

Xét nghiệm CLO-Test có thể cho các kết quả dương tính, âm tính và dương tính/ âm tính giả.

clo test dương tính là gì
Clo-Test dương tính được xác định khi dung dịch ure-indol đổi từ màu vàng sang màu hồng/ đỏ

1. CLO-Test dương tính (+)

CLO-Test dương tính (+) được xác định khi dung dịch urea – indol đổi từ màu vàng màu hồng hoặc đỏ. Kết quả này cho thấy có sự hiện diện của xoắn khuẩn Helicobacter pylori trong niêm mạc dạ dày và tá tràng.

2. CLO-Test âm tính (-)

CLO-Test âm tính xảy ra khi dung dịch thử nghiệm không bị đổi màu và vẫn giữ nguyên màu vàng. Trong trường hợp này, bệnh nhân sẽ được chẩn đoán viêm/ loét dạ dày tá tràng Hp âm tính. So với viêm/ loét dạ dày tá tràng dương tính, tình trạng này có mức độ nhẹ và hầu hết đều thuyên giảm sau khi áp dụng các phương pháp điều trị.

3. CLO-Test dương tính/ âm tính giả

Ở một số ít trường hợp, CLO-Test có thể cho kết quả dương tính hoặc âm tính giả. Tình trạng này có thể xảy ra do những nguyên nhân sau:

  • Xét nghiệm CLO-Test cần một lượng lớn vi khuẩn để tạo ra đủ men urease nhằm thay đổi độ pH và đổi màu dung dịch. Chính vì vậy với những trường hợp mới nhiễm, số lượng vi khuẩn còn hạn chế nên có thể dẫn đến tình trạng âm tính giả.
  • Một số vi khuẩn khác bên trong dạ dày cũng có thể làm thay đổi độ pH và gây đổi màu dung dịch được sử dụng trong xét nghiệm. Do đó, tình trạng dương tính giả cũng có thể xảy ra ở một số ít bệnh nhân.
  • Âm tính giả cũng có thể xảy ra nếu thực hiện CLO-Test khi đang sử dụng kháng sinh hoặc thuốc Bismuth. Vì vậy để đảm bảo kết quả xét nghiệm phản ánh khách quan tình trạng sức khỏe, nên ngưng dùng các loại thuốc này ít nhất 4 tuần trước khi làm xét nghiệm.

Trên thực tế, bác sĩ thường yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm chẩn đoán vi khuẩn Helicobacter pylori khác như nuôi cấy mô, test hơi thở, xét nghiệm phân, xét nghiệm máu,…  để đưa ra kết quả cuối cùng.

Làm xét nghiệm CLO-Test có tác dụng phụ không?

CLO-Test là xét nghiệm xâm lấn nên có thể gây ra tình trạng khó chịu, đau rát và buồn nôn khi thực hiện. Ngoài ra thực hiện xét nghiệm này ở những cơ sở kém chất lượng còn gây trật khớp hàm, tổn thương hoặc thậm chí thủng thực quản. Đồng thời tăng nguy cơ lây nhiễm chéo giữa các bệnh nhân do dụng cụ nội soi chưa được vô trùng hoàn toàn.

clo test hp
Làm xét nghiệm Clo-Test Hp có thể gây đau rát, xây xước cổ họng, buồn nôn và khó chịu

Bên cạnh đó, sinh thiết mô khi nội soi cũng có thể gây chảy máu kéo dài và hạ huyết áp đối với người có sức khỏe yếu hoặc đang lo lắng, căng thẳng quá mức. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ xử lý bằng cách bơm rửa nước lạnh hoặc tiêm dung dịch cầm máu.

Trên thực tế, làm xét nghiệm CLO-Test còn có thể gây ra một số tác dụng phụ như dị ứng thuốc gây mê, gây tê hoặc gặp phải tác dụng ngoại ý của thuốc an thần/ thuốc chống co thắt.

Để giảm thiểu các rủi ro khi thực hiện xét nghiệm này, nên lựa chọn bệnh viện, phòng khám uy tín với đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng dày dặn kinh nghiệm, hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại và đảm bảo yếu tố vô trùng. Bên cạnh đó, cần chủ động thông báo với bác sĩ tiền sử dị ứng thuốc để lựa chọn loại thuốc gây tê, thuốc an thần và chống co thắt phù hợp.

Ưu điểm – Hạn chế của xét nghiệm CLO-Test Hp

Hiện nay, xét nghiệm CLO-Test Hp được áp dụng phổ biến trong chẩn đoán các bệnh lý ở đường tiêu hóa trên như viêm loét dạ dày và loét hành tá tràng. Tương tự như các xét nghiệm Hp khác, kỹ thuật này cũng có những ưu điểm và mặt hạn chế nhất định.

– Ưu điểm:

  • Thời gian cho kết quả nhanh (chỉ khoảng 10 – 15 phút)
  • Có thể xác định được sự hiện diện của vi khuẩn Hp trong niêm mạc dạ dày, tá tràng
  • Kết hợp với nội soi giúp bác sĩ xác định được vị trí và kích thước của ổ viêm, loét ở niêm mạc đường tiêu hóa

– Mặt hạn chế:

  • Chi phí đắt hơn so với các xét nghiệm Hp khác như test hơi thở, xét nghiệm máu, phân,…
  • Có thể cho kết quả âm tính, dương tính giả
  • Gây đau, khó chịu trong và sau khi thực hiện khoảng vài ngày

Xét nghiệm CLO-Test dương tính phải làm sao?

Trong trường hợp xét nghiệm CLO-Test cho kết quả dương tính (+), bệnh nhân nên thực hiện thêm một số xét nghiệm khác như test hơi thở, xét nghiệm phân, máu,… theo hướng dẫn của bác sĩ để đánh giá lại kết quả. Trong trường hợp các xét nghiệm đều có kết quả dương tính, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán viêm loét dạ dày/ tá tràng dương tính vi khuẩn Hp và lên phác đồ điều trị.

clo test h pylori
Nên thực hiện test hơi thở, xét nghiệm máu, phân,… để đánh giá lại kết quả của xét nghiệm Clo Test

Khác với các bệnh dạ dày – tá tràng đơn thuần, bệnh lý đi kèm với vi khuẩn Hp cần phải được điều trị trong thời gian sớm nhất. Hơn nữa khi điều trị, cần tuân thủ phác đồ được bác sĩ chỉ định và chủ động xây dựng lối sống khoa học để hỗ trợ tiệt trừ hại khuẩn, giảm áp lực lên cơ quan tiêu hóa và thúc đẩy tốc độ phục hồi ổ viêm loét ở niêm mạc.

Xét nghiệm CLO-Test là kỹ thuật chẩn đoán vi khuẩn Hp phổ biến hiện nay. Tuy nhiên để kết quả của xét nghiệm phản ánh khách quan tình trạng sức khỏe, cần thông báo với bác sĩ lịch sử dùng thuốc, tình trạng sức khỏe và tiền sử dị ứng. Bên cạnh đó, nên thực hiện thêm một số xét nghiệm Hp khác để tránh tình trạng âm tính/ dương tính giả.

Post Comment