7 món cháo dành cho người bị đau dạ dày mà bạn nên biết

“Đau dạ dày thì nên ăn loại cháo gì là tốt nhất cho người bệnh?” chính là câu hỏi phổ biến của nhiều người khi mắc phải căn bệnh đau dạ dày. Chúng ta đều biết cháo là món ăn mềm và lỏng, nên rất dễ tiêu hóa, đặc biệt trong chào cũng có nhiều chất dinh dưỡng không chỉ giúp bệnh nhân bổ sung đầy đủ dưỡng chất mà còn tạm thời hạn chế các cơn đau một cách nhanh chóng. 

Tại sao nên ăn cháo thay vì những thức ăn khác khi bị đau dạ dày?

Đau dạ dày hay còn được gọi với cái tên đau bao tử là một bệnh lý thường xuất hiện khi lớp niêm mạc của các bộ phận trong cơ quan này như: môn vị, thượng vị, bờ cong nhỏ, bờ cong lớn bị tổn thương do sự tấn công từ các vi khuẩn hay một số yếu tố bên ngoài khác. Tùy thuộc vào mức độ tổn thương và giai đoạn phát triển, bệnh có một số triệu chứng như ợ hơi, ợ chua, đầy bụng, khó tiêu, nôn và buồn nôn, đau ở vùng thượng vị… Vì vậy, nếu mắc phải chứng bệnh này, người bệnh cần đặc biệt chú ý tuân thủ chế độ ăn uống hợp lý và xây dựng lối sống lành mạnh nhằm cải thiện tình trạng đau dạ dày. 

đau bao tử nên ăn cháo gì
Cháo là món ăn giàu dinh dưỡng, có tác dụng tuyệt vời trong quá trình điều trị đau dạ dày.

 

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, cháo là món ăn giàu dinh dưỡng, có tác dụng tuyệt vời trong quá trình điều trị đau dạ dày. Để giải quyết các triệu chứng khó chịu của bệnh lý này, bạn tuyệt đối không thể bỏ qua món cháo thanh đạm vì 3 lý do sau:

  • Với đặc điểm loãng, mềm, dễ tiêu hóa, cháo là món ăn rất thích hợp cho những người bị đau dạ dày. Khi người bệnh ăn cháo, dạ dày sẽ giảm áp lực co bóp để tiêu hóa thức ăn, đồng thời những cơn co thắt được làm dịu và biến mất.
  • Gạo (thành phần chính của cháo) chứa hàm lượng tinh bột cao, có khả năng giảm đau dạ dày đáng kể. Khi đi vào dạ dày, tinh bột sẽ hình thành một lớp màng bọc bao quanh lớp niêm mạc nhằm bảo vệ niêm mạc khỏi sự tấn công của acid dạ dày. Ngoài ra, tinh bột còn có thể làm giảm tiết dịch vị dạ dày, trung hòa lượng acid dư thừa, từ đó giảm đau nhanh chóng.
  • Sự kết hợp của gạo và nhiều loại thực phẩm tươi ngon, bổ dưỡng khác trong cháo sẽ trực tiếp bổ sung dưỡng chất cho cơ thể, giúp bệnh nhân nhanh nâng cao sức đề kháng, hồi phục sức khỏe và phòng ngừa nhiều bệnh lý khác.

Đau dạ dày nên ăn cháo gì để đẩy lùi cơn đau?

Tuy ăn cháo khi đau dạ dày có tác dụng cải thiện cơn đau hiệu quả nhưng không phải mọi món cháo đều mang lại tác dụng như ý. Do đó, căn cứ vào cơ địa và mức độ bệnh lý, người bệnh cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng nhằm chọn ra những món cháo phù hợp nhất với bản thân. Sau đây là 7 món cháo thơm ngon, lành tính, đơn giản, dễ làm giúp bạn bồi bổ sức khỏe và hạn chế các triệu chứng đau dạ dày.

1. Cháo lạc đậu đỏ

Đậu đỏ (xích tiểu đậu) là loại dược liệu có tác dụng hỗ trợ điều trị tả lỵ, phù thũng, sưng phù tay chân, mụn nhọt mẩn ngứa… đồng thời cải thiện chức năng đường ruột và dạ dày. Trong khi đó, củ lạc rất tốt cho hệ tiêu hóa, làm lành các vết loét dạ dày cực kỳ hữu hiệu. Do đó, sự kết hợp của 2 nguyên liệu này tạo nên một món cháo giàu dinh dưỡng, vừa giảm đau dạ dày vừa bổ sung năng lượng cho cơ thể sau một ngày dài năng động.

cháo lạc đậu đỏ
Cháo lạc đậu đỏ giúp giảm đau dạ dày và bổ sung năng lượng cho cơ thể sau một ngày dài năng động.

Cách thực hiện:

  • Chuẩn bị 30g đậu đỏ, 30g gạo tẻ, 50g lạc, 50g đường phèn
  • Rửa sạch lạc và đậu đỏ rồi ngâm nước khoảng 30 phút cho mềm
  • Vo sơ gạo tẻ để loại bỏ bụi bẩn
  • Cho lạc và đậu đỏ với 1,5 lít nước vào nồi, đun sôi, sau đó cho gạo tẻ vào
  • Vặn nhỏ lửa đun cho đến khi tất cả nguyên liệu chín mềm thì cho đường phèn vào, khuấy tan rồi tắt bếp
  • Dùng món này khi còn nóng
  • Chỉ nên ăn cháo lạc đậu đỏ 3 – 4 lần/tuần vì nếu dùng quá nhiều, người bệnh sẽ bị đầy bụng khó tiêu

2. Cháo phật thủ đường phèn

Các tài liệu y học cổ truyền ghi nhận rằng quả phật thủ vị đắng, hơi chua cay, tính ấm, có tác dụng tăng cường hoạt động của hệ tiêu hóa và nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Cháo phật thủ đường phèn có công dụng giảm đau dạ dày hiệu quả cũng như cải thiện các triệu chứng khó chịu của bệnh như rối loạn tiêu hóa, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn…

cháo phật thủ đường phèn trị đau dạ dày
Cháo phật thủ đường phèn có công dụng giảm đau dạ dày hiệu quả cũng như cải thiện các triệu chứng khó chịu của bệnh như rối loạn tiêu hóa, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn…

Cách thực hiện:

  • Chuẩn bị 15g quả phật thủ, 60g gạo tẻ và 30g đường phèn
  • Rửa sạch và thái lát quả phật thủ (khi mua nên chọn quả già, chín vàng vì nếu dùng quả non, cháo sẽ có vị đắng, rất khó ăn)
  • Cho quả phật thủ vào nồi với một lượng nước vừa phải, đun cho đến khi quả chín nhừ thì tắt bếp, lọc lấy nước và loại bỏ bã
  • Bỏ gạo tẻ vào nồi nước phật thủ, đun nhỏ lửa đến khi cháo nở đều, nhuyễn mịn 
  • Thêm đường phèn, khuấy tan rồi tắt bếp
  • Có thể ăn cháo phật thủ đường phèn nóng hay nguội đều được
  • Dùng món này liên tục trong 1 tuần, bạn sẽ cảm nhận được hiệu quả

3. Cháo nếp long nhãn

Theo quan niệm Đông y, long nhãn vị ngọt, tính bình, ấm, không độc. Với công dụng an thần, lợi khí, dưỡng huyết, bổ tâm tỳ, loại quả này được ứng dụng rộng rãi trong nhiều bài thuốc chữa trị chứng suy giảm trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, lo âu, mệt mỏi, thiếu máu, suy nhược cơ thể. Thêm vào đó, lượng chất xơ dồi dào trong vị thuốc này còn hỗ trợ hoạt động của hệ tiêu hóa, điều trị bệnh đau dạ dày rất hiệu nghiệm.

cháo nếp long nhãn
Cháo long nhãn cải thiện triệu chứng đau dạ dày vô cùng hiệu nghiệm.

Cách thực hiện:

  • Chuẩn bị 50g long nhãn, 100g gạo nếp và 30g đường phèn
  • Rửa sạch long nhãn, vớt ra để ráo
  • Vo sạch gạo nếp để loại bỏ bụi bặm
  • Cho gạo nếp và 2 lít nước vào nồi, đun nhỏ lửa trong khoảng 50 phút 
  • Khi hạt gạo chín nhừ, thêm đường phèn và khuấy tan
  • Cho long nhãn vào đun thêm 2 – 3 phút rồi tắt bếp
  • Ăn khoảng 3 lần/tuần 

Lưu ý: 

  • Người bệnh nên dùng cháo long nhãn khi đã nguội để đạt được hiệu quả chữa bệnh tốt nhất.
  • Người béo phì, tiểu đường và phụ nữ mang thai không nên ăn món này.

4. Cháo búp ổi, rau sam và hồng xiêm non

Trong Đông y, búp ổi vị đắng, tính ấm, có tác dụng tiêu thũng, giải độc. Bên cạnh đó, tinh dầu chiết xuất từ dược liệu này còn có đặc tính kháng viêm, sát khuẩn nên thường được dùng chữa bệnh viêm loét dạ dày cấp và mạn tính, sang thương xuất huyết, kiết lỵ, tiểu đường, đại tiện phân lỏng.

Rau sam (mã xỉ hiện) được mệnh danh là “vị thuốc trường thọ” hay “thần dược mọc hoang” trong y học cổ truyền Trung Hoa. Loại cây này có vị chua, tính lạnh, giúp thanh nhiệt, giải độc, hỗ trợ điều trị sốt, chàm, mụn nhọt, tiêu chảy, kiết lỵ, giun sán…

Bạn có biết, hàm lượng chất xơ dồi dào trong quả hồng xiêm có tác dụng nhuận tràng, giảm nguy cơ táo bón, chống nhiễm trùng đồng thời thúc đẩy hoạt động của ruột già? Việc kết hợp cả 3 dược liệu trên để nấu cháo sẽ tạo ra một món ăn chữa bệnh đau dạ dày cực kỳ công hiệu.

hồng xiêm
Hàm lượng chất xơ dồi dào trong quả hồng xiêm có tác dụng nhuận tràng, giảm nguy cơ táo bón, chống nhiễm trùng đồng thời thúc đẩy hoạt động của ruột già.

Dưới đây là hướng dẫn cách chế biến chi tiết:

Cách thực hiện:

  • Chuẩn bị 10g hồng xiêm non, 20g búp ổi non, 30g gạo tẻ và gia vị
  • Rửa sạch rau sam, búp ổi và hồng xiêm non
  • Cho 1,5 lít nước và tất cả nguyên liệu vào nồi, đun trên lửa nhỏ
  • Khi các nguyên liệu chín mềm, lọc lấy nước và bỏ bã
  • Vo sạch gạo tẻ, cho vào hỗn hợp nước vừa nấu xong, nấu nhỏ lửa 
  • Khi hạt gạo nở nhừ, nêm nếm gia vị vừa ăn rồi tắt bếp
  • Chia cháo thành 2 phần dùng trong ngày
  • Nên dùng khi nóng vào lúc bụng đang đói
  • Ăn món này liên tục 3 ngày với liều lượng vừa đủ vì việc lạm dụng sẽ gây ra chứng táo bón

5. Cháo bắp cải thịt tôm 

Đau dạ dày nên ăn cháo - cháo bắp cải thịt tôm
Thịt tôm trong món cháo này giúp thư giãn đầu óc đồng thời hạn chế các cơn đau dạ dày xuất hiện khi cơ thể bị căng thẳng.

Là loài thủy sản có giá trị dinh dưỡng cao, giàu protein, omega-3, khoáng chất, tôm giúp thư giãn đầu óc đồng thời hạn chế các cơn đau dạ dày xuất hiện khi cơ thể bị căng thẳng. Bắp cải chứa nhiều chất xơ không hòa tan (một loại carbohydrate không thể phân hủy trong ruột), có tác dụng thúc động hoạt động của ruột, từ đó ngăn ngừa chứng táo bón, các bệnh về đường ruột và tăng cường hệ tiêu hóa.

Cách thực hiện:

  • Chuẩn bị 50g tôm tươi, 50g thịt heo xay, 100g gạo nếp, 200g bắp cải, 5g hành tím và gia vị
  • Đãi sạch gạo nếp để loại bỏ tạp chất và bụi bẩn, sau đó ngâm nước
  • Rửa bắp cải nhiều lần, vớt ra để ráo rồi thái nhỏ
  • Lột vỏ, rửa sạch, băm nhuyễn hành tím
  • Lột bỏ vỏ tôm, loại bỏ chỉ lưng, sau đó rửa sạch
  • Ướp tôm và thịt heo với gia vị vừa ăn
  • Bắc chảo lên bếp cho nóng rồi phi thơm hành tím
  • Cho tôm và thịt heo vào xào sơ đến khi dậy mùi thì tắt bếp, đổ ra tô
  • Đổ gạo nếp vào nồi cùng lượng nước vừa đủ, hầm nhừ
  • Khi cháo chín nhuyễn mịn, cho bắp cải và hỗn hợp tôm, thịt đã xào vào khuấy đều, tiếp tục nấu đến khi cháo sôi trở lại rồi tắt bếp
  • Múc cháo ra và dùng khi còn nóng

6. Cháo bao tử lá lách heo

Trong Đông y, bao tử heo vị ngọt, tính ấm, có tác dụng điều trị suy nhược, đau bụng, tiêu chảy, khát nước, đi tiểu nhiều lần, giúp lá lách và dạ dày thêm khỏe mạnh. Lá lách và bao tử heo có thể làm lành vết thương ở niêm mạc dạ dày một cách nhanh chóng đồng thời thúc đẩy quá trình hồi phục chức năng của cơ quan tiêu hóa.

Đau dạ dày nên ăn cháo - cháo lá lách bao tử heo
Trong Đông y, bao tử heo vị ngọt, tính ấm, có tác dụng điều trị suy nhược, đau bụng, tiêu chảy, khát nước, đi tiểu nhiều lần, giúp lá lách và dạ dày thêm khỏe mạnh.

Cách thực hiện:

  • Chuẩn bị 1 bao tử heo nhỏ, 1 lá lách heo, 100g gạo tẻ, 1 nhánh hành/rau thơm, một chút gừng, rượu và gia vị
  • Rửa sạch lá lách và bao tử heo nhiều lần để loại bỏ hoàn toàn tạp chất, sau đó vớt ra để ráo
  • Cho gừng đập giập và một chút rượu vào nồi vào nồi, đun sôi
  • Bỏ lá lách và bao tử heo vào chần sơ nhằm khử hết mùi hôi
  • Vớt lá lách và bao tử heo ra xả lại với nước thêm một lần nữa rồi thái thành lát mỏng
  • Ướp gia vị 2 nguyên liệu trên trong vòng 15 phút
  • Vo gạo thật sạch rồi cho gạo vào nồi với lượng nước vừa đủ, bắc lên bếp ninh kỹ
  • Lúc hạt gạo nở đều, cho lá lách và bao tử heo vào nấu chung đến khi tất cả nguyên liệu chín mềm
  • Nêm nếm gia vị vừa ăn rồi tắt bếp
  • Múc cháo ra tô, thêm một chút hành lá hoặc rau thơm để tăng hương vị
  • Dùng khoảng 3 lần/tuần khi đang đói bụng

7. Cháo cao lương thịt dê

Đau dạ dày nên ăn cháo - cháo thịt dê cao lương
Trong Đông y, thịt dê có tính hàn. Khi đi vào cơ thể, thực phẩm này giúp hỗ trợ làm lành vết thương rất tốt.

Cao lương chứa dưỡng chất dồi dào, có tác dụng cung cấp đầy đủ năng lượng cho cơ thể sau cả ngày dài lao động, học tập, tránh tình trạng suy nhược, mệt mỏi. Trong Đông y, thịt dê có tính hàn. Khi đi vào cơ thể, thực phẩm này hỗ trợ làm lành vết thương rất tốt. Vì vậy, nó thường được dùng để điều trị các bệnh lý liên quan đến dạ dày. Cháo cao lương thịt dê là món ăn dễ chế biến, bao gồm những bước sau:

Cách thực hiện:

  • Chuẩn bị 100g thịt dê, 100g cao lương và gia vị
  • Rửa sạch thịt dê, thái thành miếng nhỏ vừa ăn rồi ướp gia vị trong 15 phút
  • Vo sạch cao lương rồi vớt ra để ráo
  • Cho 2 nguyên liệu trên vào nồi, đổ nước cho ngập mặt rồi đun sôi
  • Khi sôi, vặn nhỏ lửa rồi tiếp tục đun
  • Nấu cho đến khi thịt dê và cao lương chín nhừ
  • Nêm nếm gia vị vừa ăn rồi tắt bếp
  • Múc cháo ra tô và dùng nóng
  • Chia cháo thành 2 – 3 phần và ăn kèm bữa phụ mỗi ngày (để tránh tình trạng lạnh bụng, tiêu chảy)

Một số lưu ý cho người bệnh bị đau dạ dày khi ăn cháo

Cháo là món ăn tuyệt vời giúp giảm nhanh các triệu chứng đau dạ dày. Tuy nhiên, để đảm hiệu quả điều trị cao nhất, bệnh nhân cần lưu ý một số vấn đề sau khi chế biến và sử dụng:

  • Khi nấu cháo, bạn cần nêm vào một chút đường và dầu thực vật. Điều này vừa tăng thêm hương vị thơm ngon của món ăn vừa có tác dụng ức chế quá trình tiết acid dịch vị tại dạ dày. Một số loại dầu thực vật được các chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng cho người bị đau dạ dày như dầu mè, dầu hướng dương, dầu đậu nành…
  • Khi chế biến cháo cho bệnh nhân đau dạ dày, bạn nên tránh sử dụng kết hợp các loại thực phẩm vừa khó tiêu vừa chứa nhiều muối như dưa muối, lạp xưởng, chả giò, xúc xích, thịt nguội… đồng thời cần hạn chế gia vị cay nóng như tiêu, ớt cũng như không dùng kèm những loại thức ăn cay nóng khác.
  • Sụn gà, sụn bò, thịt bò nhiều gân… cũng vừa khó tiêu vừa khó nấu chín mềm. Nếu ăn những loại thực phẩm này, người bệnh sẽ vô tình làm tăng áp lực lên cơ quan tiêu hóa và khiến cơn đau thêm trầm trọng.
  • Người bệnh nên ăn cháo ngay khi còn nóng, ăn từ từ, từng chút một; tránh ăn quá nhiều trong một lần. Hãy chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để dạ dày làm việc nhẹ nhàng, nhịp nhàng hơn. Thêm vào đó, việc ăn cháo nhiều bữa còn giúp tránh được tình trạng bụng quá đói (tác nhân gây đau).
  • Xúp cũng là một món ăn bổ dưỡng, dễ tiêu hóa và cực kỳ thích hợp cho những người bị đau dạ dày. Nếu đã quá ngán ăn món cháo thì bạn có thể chuyển sang dùng xúp. Ngoài ra, người bệnh có thể nâng cao sức đề kháng bằng việc bổ sung các thực phẩm tốt cho dạ dày khác như trứng, sữa, ngũ cốc, bánh mì, rau xanh, trái cây…
xúp thập cẩm
Xúp là một món ăn bổ dưỡng, dễ tiêu hóa và cực kỳ thích hợp cho những người bị đau dạ dày.

Hy vọng bài viết đã cung cấp cho độc giả lời giải đáp tương đối đầy đủ của câu hỏi “Đau dạ dày nên ăn cháo gì?”. Với hương vị thanh đạm, thơm ngon cùng thành phần dưỡng chất đa dạng, 7 món cháo trên sẽ là những gợi ý hữu ích cho thực đơn hằng ngày của người bị đau dạ dày. Chúc bạn đẩy lùi chứng bệnh này thành công và nhanh chóng phục hồi sức khỏe.

Post Comment