Viêm da cơ địa ở tay, chân là một trong những bệnh lý về da liễu phổ biến, nhất là các đối tượng thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất, người làm công việc nội trợ hằng ngày. Để cải thiện các triệu chứng viêm da cơ địa ở các bộ phận như tay, chân, người bệnh thường được bác sĩ chuyên khoa chỉ định sử dụng các loại thuốc bôi ngoài da, kem dưỡng ẩm giảm ngứa và chống viêm.
Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị bệnh viêm da cơ địa ở tay, chân
Viêm da cơ địa là một trong những căn bệnh ngoài da mãn tính, thường có accs biểu hiện đặc trưng như tình trạng tổn thương da kèm theo các cơn ngứa kéo dài dai dẳng. Ngoài ra các tổn thương da do bệnh lý gây ra xuất hiện nhiều ở các chi, đặt biệt là ở tay, chân. Vì da tay và da chân thường tiếp xúc nhiều với các hóa chất, bụi bẩn, mủ, nấm mốc nên các triệu chứng viêm da cơ địa có xu hướng khởi phát cao hơn những vị trí khác trên cơ thể.
Cũng giống với bệnh viêm da cơ địa, viêm da cơ địa tay, chân có xu hướng khởi phát thành từng đợt. Đối với các trường hợp bệnh ở giai đoạn cấp tính, tổn thương da có thể gây khô ráp, đỏ, ngứa ngáy dữ dội và tăng nguy cơ bị bội nhiễm cao. Ở giai đoạn mãn tính, khu vực da bị tổn thương sẽ có dấu hiệu dày sừng, thâm sạm.
Viêm da cơ địa ở tay, chân sẽ dễ kiểm soát hơn so với viêm da cơ địa khởi phát ở các khu vực như ngực, mặt, lưng, bụng. Tuy nhiên, do vùng da chân, da tay thường xuyên tiếp với các tác nhân gây bệnh nên có nguy cơ tái phát nhiều lần, từ đó dẫn đến tình trạng viêm da cơ địa mãn tính.
Nguyên nhân gây ra viêm da cơ địa ở tay, chân
Hiện nay y học vẫn chưa thể xác định nguyên nhân gây viêm da cơ địa cũng như viêm da cơ địa tay, chân. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp nhận và điều trị, các bác sĩ nhận thấy, bệnh lý có liên quan mật thiết đến yếu tố di truyền từ người thân trong gia đình. Điều này cho thấy, ở những người có ba mẹ mắc bệnh viêm da cơ địa sẽ có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn những người bình thường.
Ngoài ra, các triệu chứng viêm da cơ địa ở tay, chân còn có thể bùng phát mạnh mẽ bởi một số yếu tố sau:
Tiếp xúc với hóa chất: Việc tiếp xúc trực tiếp với nước rửa chén, xà phòng, nước tẩy, bột giặt và các hóa chất khác trong thời gian dài là yếu tố gây kích thích khởi phát các triệu chứng viêm da cơ địa.
Do dị ứng: Trường hợp không may bị côn trùng đốt, tiếp xúc với phấn hoa, mủ nhựa thực vật chứa độc cũng có thể gây kích ứng dẫn đến phát ban đỏ, nổi mụn nước ngứa ở chân tay,…Từ đó tạo điều kiện bùng phát các biểu hiện bệnh viêm da cơ địa ở tay, chân.
Căng thẳng thần kinh: Bệnh viêm da cơ địa thường có liên quan đến hệ miễn dịch. Do đó, khi bị căng thẳng, áp lực trong thời gian dài sẽ tác động đến hệ miễn dịch. Lúc này nồng độ IgE tăng đột ngột, từ đó khởi phát các triệu chứng viêm da cơ địa.
Các yếu tố khác: Ngoài các yếu tố phổ biến trên, viêm da cơ địa ở tay, chân còn có thể xuất hiện do thời tiết thay đổi đột ngột, nhiễm trùng cấp, da bị khô,…
Dấu hiệu nhận biết viêm da cơ địa ở tay, chân
Các triệu chứng lâm sàng của viêm da cơ địa ở tay, chân thường phụ thuộc vào giai đoạn tiến triển của bệnh. Cụ thể như:
Các biểu hiện bệnh lý ở giai đoạn cấp tính:
- Trên da xuất hiện các ban đỏ và không có ranh giới rõ ràng
- Bề mặt khu vực da bị tổn thương nổi các sẩn đỏ, đôi khi nổi mụn nước nhỏ
- Các mụn nước này sẽ lớn dần và có xu hướng tự vỡ gây tiết dịch, sau đó đóng thành vảy tiết
- Ở giai đoạn này, tổn thương da có thể đi kèm với tình trạng đau rát, ngứa ngáy dữ dội hoặc âm ỉ
Triệu chứng ở giai đoạn mãn tính:
- Tổn thương da có dấu hiệu dày sừng, thâm sạm, xuất hiện nhiều vết nứt gây đau rát, có thể chảy máu
- Người bệnh thường bị ngứa ngáy âm ỉ vào ban ngày và có xu hướng dữ dội vào ban đêm, không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt và còn suy giảm chất lượng giấc ngủ.
Viêm da cơ địa ở tay, chân có nguy hiểm không?
Hầu hết các trường hợp bị viêm da cơ địa ở tay, chân đều không ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, tình trạng ngứa ngáy dai dẳng, đau rát đôi khi còn gây chảy máu.
Nhất là các triệu chứng có xu hướng bùng phát mạnh vào ban đêm, khiến người bệnh mất ngủ, khó ngủ, bứt rứt, nếu không được khắc phục có thể gây suy nhược cơ thể,…
Ngoài ra, tổn thương da ở tay, chân còn có nguy cơ gây bội nhiễm cao. Viêm da cơ địa bội nhiễm sẽ gây ra các triệu chứng nghiêm trọng như đau nhức, mưng mủ, sưng đỏ. Nếu không được kiểm soát kịp thời có thể phát sinh các biến chứng nặng nề như viêm mô tế bào, da bị lở loét, nhiễm trùng huyết.
Hơn nữa, các triệu chứng viêm da cơ địa ở bàn tay, bàn chân tái đi tái lại thường xuyên còn ảnh hưởng đến sinh hoạt, thói quen hàng ngày như mang giày dép, rửa chén bát, giặt giũ, vệ sinh nhà cửa.
Các biện pháp điều trị viêm da cơ địa ở tay, chân
Các biện pháp điều trị viêm da cơ địa tập trung cải thiện các triệu chứng bệnh lý, giảm tình trạng ngứa ngáy, hỗ trợ phục hồi vùng da bị tổn thương và phòng ngừa các biến chứng phát sinh.
Sử dụng thuốc Tây điều trị
Các loại thuốc chữa viêm da cơ địa ở tay, chân giúp khắc phục các triệu chứng, giảm tổn thương da do bệnh lý gây ra. Viêm da cơ địa và các bệnh viêm da mãn tính khác hiện nay vẫn chưa tìm ra thuốc đặc trị. Căn cứ vào mức độ các triệu chứng bệnh lý và cơ địa người bệnh mà bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định các loại thuốc phù hợp.
Dưới đây là một số loại thuốc thường được sử dụng phổ biến trong chữa viêm da cơ địa ở tay, chân:
Nhóm thuốc kháng histamin H1: Thuốc có tác dụng giảm tình trạng ngứa ngáy và chống dị ứng. Bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định thuốc bôi ngoài da hoặc thuốc đường uống kết hợp các hoạt chất kháng histamin H1 và corticoid để kiểm soát các triệu chứng viêm da cơ địa nhanh chóng.
Các loại thuốc ức chế calcineurin: Thuốc có tác dụng hỗ trợ phục hồi các tế bào da bị tổn thương cũng như ngăn ngừa tổn thương lan rộng. Tuy nhiên, nhóm thuốc ức chế calcineurin (Tacrolimus, Pimecrolimus) có thể khiến da trở nên nhạy cảm với tia UVA, UVB hơn, do đó trong thời sử dụng thuốc điều trị tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.
Thuốc chứa kẽm oxide 10%: Với công dụng sát khuẩn nhẹ, làm dịu và bảo vệ da, thuốc chứa kẽm thường được bác sĩ chuyên khoa chỉ định trong trường hợp viêm da cơ địa ở tay, chân cấp tính giúp cải thiện tình trạng sưng đỏ, nóng rát, đồng thời hỗ trợ phục hồi vùng da bị tổn thương.
Thuốc bôi ngoài da chứa corticoid: Các loại thuốc điều trị tại chỗ chứa corticoid thường được sử dụng trong điều trị các triệu chứng viêm da cơ địa. Thuốc có công dụng chống dị ứng, giảm viêm nhiễm nhanh chóng.
Tuy nhiên, nếu lạm dụng thuốc bôi có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như teo da, mỏng da, dày sừng nang lông, bội nhiễm. Do đó, người bệnh cần tuân thủ chỉ định liều dùng từ bác sĩ chuyên khoa giúp đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất.
Thuốc chống nấm và thuốc kháng sinh: Với các trường hợp viêm da cơ địa ở tay, chân có dấu hiệu bị bội nhiễm. Lúc này bác sĩ chuyên khoa da liễu có thể chỉ định các loại thuốc chống nấm hay kháng sinh ở dạng đường uống hoặc bôi ngoài da nhằm kiểm soát bệnh lý hiệu quả, tránh phát sinh các biến chứng nặng nề.
Thuốc bạt sừng có chứa acid salicylic: Được dẫn xuất từ BHA, acid salicylic có công dụng làm mềm da, sát trùng nhẹ, đồng thời loại bỏ các tế bào chết, thúc đẩy tái tạo làn da mới. Thuốc được điều chế dưới dạng kem bôi và thường được chỉ định trong khắc phục các triệu chứng viêm da cơ địa mãn tính.
Các nhóm thuốc trên có tác dụng cải thiện các triệu chứng bệnh lý, do đó bác sĩ sẽ chỉ định liệu trình dùng thuốc trong thời gian ngắn, tránh tình trạng lạm dụng và phụ thuộc thuốc. Trường hợp sử dụng kháng sinh/ chống nấm cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, sử dụng thuốc điều đặn và liên tục để đạt được kết quả tốt nhất.
Áp dụng các biện pháp cải thiện tại nhà
Bên cạnh việc sử dụng các loại thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ da liễu, bạn có thể áp dụng các biện pháp chăm sóc hỗ trợ điều trị tại nhà giúp cải thiện tình trạng ngứa ngáy, hỗ trợ phục hồi da và rút ngắn thời gian chữa bệnh hiệu quả.
Ngâm nước muối ấm: Trong muối có chứa các thành phần giúp sát khuẩn, làm dịu và mềm da, giảm ngứa ngáy hiệu quả. Ngâm tay, chân với nước muối ấm được xem là liệu pháp đơn giản, an toàn mà mang lại hiệu quả tích cực. Biện pháp này thích hợp với các trường hợp viêm cơ địa tay, chân mãn tính.
Liệu pháp chườm đá: Đối với các trường hợp viêm da cơ địa tay, chân ở giai đoạn cấp tính, thường đặc trưng bởi tình trạng đau rát, sưng đỏ. Để cải thiện tình trạng này, bạn có thể sử dụng túi đá chườm lên vùng da cần điều trị trong vòng 20 phút, với cơ chế làm co mạch máu, hạn chế hoạt động tuần hoàn máu đến vùng da bị bệnh, sẽ giúp giảm ngứa ngáy, sưng viêm nhanh chóng.
Lưu ý không áp dụng biện pháp này với các trường hợp bị nổi mụn nước, tiết dịch vì có thể kích thích gây viêm nhiễm, khiến tình trạng bệnh lý trở nên nghiêm trọng hơn.
Dùng tinh dầu tự nhiên: Để cải thiện tình trạng bong tróc da, khô da, người bệnh có thể dùng 1- 2 giọt tinh dầu ô liu, dầu argan, dầu hạnh nhân, dầu lừa. Sau đó kết hợp massage nhẹ nhàng lên vùng da bị tổn thương. Các thành phần và axit béo có trong các tinh dầu này sẽ giúp dưỡng ẩm, hạn chế tình trạng khô ráp, nứt nẻ da, từ đó ngăn ngừa thâm sẹo hiệu quả.
Sử dụng gel nha đam: Các thành phần có trong gel nha đam có tác dụng làm dịu và mềm da, khắc phục triệu chứng sưng nóng, thúc đẩy tái tạo các tế bào bị da bị hư tổn. Việc sử dụng gel nha đam thường thường xuyên còn giúp ngăn ngừa thâm nhiễm, giảm khô ráp da, cải thiện tình trạng ngứa ngáy hiệu quả.
Phòng ngừa viêm da cơ địa ở tay, chân hiệu quả
Viêm da cơ địa ở tay, chân là bệnh ngoài da mãn tính, thường có các triệu chứng kéo dài dai dẳng và có xu hướng bùng phát nếu gặp điều kiện thuận lợi. Do đó, sau khi điều trị, người bệnh cần áp dụng các biện pháp giúp phòng ngừa bệnh tái lại hiệu quả. Cụ thể như:
- Tránh tiếp xúc với các tác nhân có nguy cơ gây kích ứng dị ứng như lông động vật, bụi phấn, hóa chất độc hại, kim loại nặng, mỹ phẩm,…
- Sử dụng kem dưỡng ẩm da thường xuyên, hoặc các tinh dầu tự nhiên giúp hàng rào bảo vệ da được tăng cường, hạn chế tình trạng da bị khô ráp, bong tróc, nhất là khi thời tiết chuyển lạnh, khô hanh.
- Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da dịu nhẹ, có nguồn gốc từ thiên nhiên, không chứa các thành phần gây kích ứng da. Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu để được tư vấn lựa chọn sản phẩm phù hợp với tình trạng da.
- Trường hợp phải tiếp xúc với hóa chất, bạn cần sử dụng đồ bảo hộ, bao tay, giày để giảm thiểu tình trạng kích ứng khởi phát các triệu chứng viêm da cơ địa ở tay, chân.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu khoáng chất và vitamin giúp tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ làm lành các tổn thương da do viêm da cơ địa gây ra.
- Cung cấp từ 2 – 2.5 lít lọc cho cơ thể mỗi ngày không chỉ có tác dụng thanh lọc, bù nước mà còn tăng cường độ ẩm tự nhiên cho da, ngăn ngừa da bị khô ráp, bong tróc.
- Duy trì tập luyện, vận động nhằm nâng cao thể trạng, tăng cường sức khỏe giúp chống lại các tác nhân gây bệnh. Đồng thời tránh căng thẳng, áp lực, nên cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi để phòng bệnh tái phát hiệu quả.
Trên đây là các thông tin về viêm da cơ địa ở tay, chân. Các triệu chứng của bệnh lý có thể tái đi tái lại nhiều lần, ảnh hưởng đến nhiều vùng da khác. Do đó, khi nhận thấy các triệu chứng viêm da cơ địa bạn cần chủ động đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị hợp lý. Bên cạnh đó cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa để hạn chế bệnh tái phát thường xuyên.