Lang ben đỏ là một trong những bệnh lý nhiễm trùng ngoài da tương đối phổ biến với nhiều dát, đốm màu đỏ, hồng chủ yếu tập trung quanh vùng thân trên, ít gây ra cảm giác ngứa và không gây đau đớn. Bệnh lý này có thể lây nhiễm một cách trực tiếp hoặc gián tiếp từ người này sang người khác. Do đó nếu được phát hiện từ sớm và điều trị đúng cách, những tổn thương trên da có thể thuyên giảm nhanh chóng chỉ trong vài tuần điều trị.
Giải đáp thắc mắc: Lang ben đỏ là gì? Nguy hiểm không?
Lang ben đỏ là một dạng bệnh ngoài da do nhiễm nấm trên da do vi nấm malassezia furfur (pityrosporum ovale) gây ra. Khi xâm nhập vào bề mặt làn da, chúng sẽ cản trở quá trình hấp thụ tia cực tím. Do đó, làn da chúng ta xuất hiện những đốm/dát màu đỏ hoặc hồng.
Những vết lang ben đỏ thường hình thành tại những vùng da không phơi nắng. Căn bệnh này khá khó nhận biết, ít ngứa và không đau. Sau một khoảng thời gian phát triển, vùng da lang ben sẽ tạo thành ranh giới tương đối rõ ràng với vùng da lành xung quanh.
Khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời hoặc lúc bị đổ mồ hôi, vùng da lang ben sẽ bắt đầu ngứa ngáy và có cảm giác châm chích. Lúc này, mảng da bị bệnh sẽ đổi dần sang màu khác (tùy thuộc vào sắc tố da cùng mức độ tiến triển của bệnh lý).
Nếu không được chẩn đoán và chữa trị kịp thời, vùng da lang ben đỏ dễ bị viêm nhiễm, trầy xước do bệnh nhân đổ nhiều mồ hôi hoặc cố tình gãi ngứa mỗi khi ra nắng.
Dấu hiệu nhận biết của bệnh lang ben đỏ
Các biểu hiện phổ biến nhất của bệnh lang ben đỏ bao gồm:
- Làn da xuất hiện ban dát màu hồng hoặc chấm đỏ ở lỗ chân lông.
- Ban đầu, những tổn thương nằm rải rác và có kích thước nhỏ, sau đó, chúng dần dần lan rộng và liên kết với nhau để hình thành nhiều mảng lớn hình tròn, hình oval, hình đa cung…
- Tổn thương trên da có màu từ hồng nhạt đến hồng/đỏ đậm.
- Trong vài trường hợp, các tổn thương có màu sắc đa dạng như: trắng, hồng, nâu, nâu sậm…
- Những tổn thương trên da không gây khó chịu, đau đớn hay ngứa ngáy. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể cảm thấy ngứa nhẹ khi đổ nhiều mồ hôi hoặc nhiệt độ cơ thể tăng cao.
- Các vết lang ben đỏ thường xuất hiện ở phần thân trên và tập trung chủ yếu tại những vùng da thường xuyên tiết nhiều bã nhờn.
- Tổn thương do bệnh lang ben đỏ gây ra có bề mặt mịn màng, nhẵn bóng và tạo thành một lớp bụi phấn trắng mịn khi được cạo ra.
Bên cạnh lang ben đỏ, lang ben trắng cũng là một chứng bệnh da liễu thường gặp. Các chuyên gia cho biết, hai dạng lang ben này mang nhiều nét tương đồng và hầu như chỉ khác nhau về màu sắc.
Những tổn thương do vi nấm pityrosporum ovale gây ra có màu trắng vì chủng vi nấm này có thể sản sinh axit azelaic (một loại axit dicarboxylic có khả năng phá hủy melanocyte và ức chế quá trình vận chuyển melanin đến các tế bào thượng bì). Trong khi đó, các dải ban dát hồng của lang ben đỏ là hậu quả của những phản ứng viêm nhiễm của cơ thể trước các loài nấm men gây hại.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh lang ben đỏ
Vi nấm malassezia chính là nguồn gốc của căn bệnh lang ben đỏ. Đây vốn là một loại nấm thường trú trên da, phát triển với số lượng vừa phải và giữ vai trò cân bằng hệ vi sinh của làn da.
Vì là một loại nấm lưỡng hình phụ thuộc vào chất béo nên chúng có thể phát triển mạnh mẽ và chuyển đổi từ dạng nấm men sang tế bào nấm dạng sợi khi cơ thể tăng cường bài tiết bã nhờn. Sự biến đổi hình dáng của chủng vi nấm này chính là tác nhân trực tiếp gây ra những biểu hiện lâm sàng đặc trưng của bệnh lý.
Bệnh lang ben nói chung và bệnh lang ben đỏ nói riêng ảnh hưởng chủ yếu đến trẻ nhỏ, thanh thiếu niên và những người trẻ tuổi. Tình trạng này hiếm khi xuất hiện ở người cao tuổi bởi khi chúng ta tuổi cao sức yếu, tuyến bã nhờn không còn hoạt động mạnh mẽ như trước. Vì vậy, nấm men không có điều kiện phát triển và gây bệnh.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, những yếu tố góp phần tăng cường nguy cơ mắc bệnh lang ben đỏ của bệnh nhân bao gồm:
Thời tiết nóng ẩm
Trong thời tiết nóng ẩm, để làm mát cơ thể và điều hòa thân nhiệt, làn da của chúng ta sẽ bài tiết nhiều bã nhờn và mồ hôi hơn bình thường. Thế nhưng, hiện tượng này khiến nấm men hấp thụ nhiều chất béo. Nhờ đó, chúng bắt đầu phát triển mạnh mẽ, biến đổi cấu trúc nhanh chóng và hình thành nhiều tổn thương trên làn da.
Mất cân bằng hormon
Hormon là một trong những yếu tố đặc biệt, có vai trò quan trọng trong cơ chế gây bệnh lang ben. Sự tăng lên đột ngột của nồng độ androgen (một loại hormon được sản xuất trong giai đoạn dậy thì) có thể kích thích làn da tiết nhiều bã nhờn, đồng thời tăng cường nguy cơ mắc phải bệnh lý này.
Tình trạng mất cân bằng giữa hai hormon estrogen và progesteron cũng có thể đi kèm rối loạn tuyến bã nhờn và làm tăng nguy cơ nhiễm nấm da.
Rối loạn tuyến bã nhờn
Tình trạng rối loạn tuyến bã nhờn khiến làn da sản sinh quá nhiều dầu thừa, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để vi nấm phụ thuốc chất béo sinh sôi, phát triển. Vấn đề này thường xuất hiện ở nhũ nhi và trẻ nhỏ do tuyến bã nhờn của nhóm đối tượng này chưa phát triển hoàn chỉnh.
Thói quen vệ sinh cơ thể kém
Khi chúng ta vệ sinh cơ thể không sạch sẽ, bụi bẩn, bã nhờn, da chết sẽ tích tụ ở nang lông, từ đó kích thích quá trình phát triển của vi nấm và dẫn đến nhiều biểu hiện lâm sàng bất thường.
Suy giảm hệ thống miễn dịch
Thông thường, nấm men và vi khuẩn thường trú trên da sẽ tồn tại với mức độ hạn chế và được kiểm soát chặt chẽ bởi các vi khuẩn có lợi. Thế nhưng, khi sức đề kháng của cơ thể yếu đi, số lượng lợi khuẩn suy giảm rõ rệt. Đây chính là thời điểm thuận lợi để nấm men phát triển nhanh chóng và tấn công làn da dễ dàng.
Do đó, những người có hệ miễn dịch yếu như: bệnh nhân tiểu đường, trẻ em, những người dùng corticoid lâu dài… rất dễ bị tái phát lang ben sau khi đã điều trị dứt điểm.
Ngoài ra, một số yếu tố khác có thể tạo nên điều kiện thuận lợi để bệnh lý này hình thành bao gồm: thừa cân – béo phì, chế độ dinh dưỡng nhiều đường và chất béo, thói quen lạm dụng rượu bia hoặc dùng thuốc tránh thai kéo dài…
Giải đáp một số thắc mắc về bệnh lang ben đỏ
Bệnh lang ben đỏ có nguy hiểm không? Có lây truyền không? Có tự khỏi không? Có phải do da bắt nắng không? Các chuyên gia giải đáp như sau:
Có phải bệnh lang ben đỏ xuất hiện khi da bắt nắng?
Nhiều người bệnh cho rằng, những đốm lang ben màu hồng hoặc đỏ hình thành khi làn da bắt nắng. Thực ra, vi nấm tấn công vào làn da, khiến da biến đổi sắc tố chính là nguyên nhân hàng đầu của bệnh lý này.
Bên cạnh đó, ánh nắng mặt trời có thể khiến các đốm lang ben biến đổi màu sắc. Thông thường, những vết lang ben tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng có màu trắng trong khi vùng da lang ben không phơi nắng màu hồng, đỏ hoặc nâu.
Bệnh lang ben đỏ có nguy hiểm không?
Lang ben đỏ cùng những bệnh lý nhiễm nấm ngoài da đều có khả năng lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp. Do đó, khi mắc phải bệnh lý, độc giả nên thông báo với những người xung quanh để họ chủ động phòng ngừa. Căn bệnh này có thể lây lan thông qua việc tiếp xúc với các vật dụng như: khăn, mềm, gối…
Đặc biệt, căn bệnh này cũng lây lan mạnh mẽ khi thời tiết nóng ẩm, hệ miễn dịch suy giảm, tuyến bã nhờn hoạt động quá mức hoặc vệ sinh thân thể không sạch sẽ.
Nhìn chung, lang ben đỏ vốn là bệnh lý da liễu lành tính, không gây khó chịu hay đau rát. Khi cơ thể đổ nhiều mồ hôi, các vị trí tổn thương trên làn da sẽ ngứa ngáy với mức độ không đáng kể. Tuy không tác động tiêu cực đến sức khỏe tổng thể nhưng vấn đề này có thể ảnh hưởng lớn đến yếu tố thẩm mỹ, nhan sắc và ngoại hình.
Ngoài ra, khả năng lây nhiễm của bệnh lang ben đỏ khá cao. Khi bị mắc bệnh, chúng ta sẽ không thể tự tin và thoải mái tham gia các hoạt động tập thể năng động như bình thường.
Bệnh lang ben đỏ lây lan như thế nào?
Các bác sĩ da liễu cho biết, vi nấm gây lang ben đỏ có thể dễ dàng lây nhiễm trực tiếp từ người này sang người khác hoặc gián tiếp thông qua việc dùng chung đồ đạc cá nhân như: khăn tắm, quần áo, chăn mền… Không chỉ dừng lại ở đó, vấn đề này còn lây lan nhanh chóng từ vùng da bệnh sang vùng da lành.
Khi vừa xuất hiện, các đốm lang ben khá nhỏ. Tuy nhiên, nếu gặp được điều kiện thuận lợi, chúng sẽ lan rộng sang lưng, mặt, cổ, ngực, thậm chí cả nửa thân trên.
Bệnh lang ben đỏ có tự khỏi không?
Bệnh lang ben thường khởi phát với những tổn thương có kích thước nhỏ, không gây ngứa ngáy hoặc chỉ dẫn đến ngứa nhẹ. Vì vậy, một số người cho rằng căn bệnh sẽ tự khỏi theo thời gian. Trên thực tế, lang ben đỏ không thể tự khỏi.
Đặc biệt, khi gặp điều kiện thuận lợi như: rối loạn nội tiết, thời tiết nóng ẩm, đổ nhiều mồ hôi, vi nấm sẽ sinh sôi mạnh mẽ và tấn công ồ ạt, sau đó lây lan nhanh chóng sang những vùng da khác. Đây chính là lý do vì sao bạn nên chủ động chữa bệnh ngay khi phát hiện các biểu hiện bất thường trên làn da.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Những tổn thương do lang ben đỏ gây ra có thể dễ dàng bị nhầm lẫn với triệu chứng lâm sàng của một số vấn đề da liễu khác. Để chẩn đoán chính xác bệnh lý này, bác sĩ chuyên khoa sẽ trực tiếp thăm khám, soi tổn thương dưới ánh sáng đèn Wood và xét nghiệm soi tươi tìm nấm. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ tiến hành chẩn đoán phân biệt lang ben đỏ với vảy phấn hồng Gibert, viêm da tiết bã và bệnh giang mai giai đoạn 2.
Tuy mang tính chất lành tính và không gây ngứa ngáy khó chịu nhưng bệnh lang ben đỏ không thể tự khỏi hoàn toàn mà cần được can thiệp điều trị kịp thời để ngăn cản sự phát triển của vi khuẩn, đồng thời hồi phục tổn thương trên da.
Sử dụng thuốc Tây
Phương pháp chữa bệnh tối ưu là sử dụng thuốc uống và thuốc bôi. Nếu không thể đáp ứng với thuốc Tây, bệnh lý này có thể tái phát nhiều lần, khiến tổn thương lan rộng toàn thân.
Đầu tiên, sau khi thu được kết quả chẩn đoán, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định bệnh nhân dùng một số loại thuốc bôi có công dụng kháng nấm và làm sạch vi khuẩn trên bề mặt da. Nếu số lượng nấm men được kiểm soát, các tổn thương trên da sẽ tự động thuyên giảm và bình phục từ từ.
Một số loại thuốc bôi điều trị lang ben đỏ an toàn, hiệu quả là:
- Thuốc bôi chứa thành phần chống nấm: terbinafin, ciclopirox, ketoconazol…
- Thuốc bôi chứa selenium sulfide và kẽm pyrithioin nếu bạn không đáp ứng tốt với các chế phẩm chứa hoạt chất kháng nấm
- Thuốc bôi chứa thành phần lưu huỳnh, axit salicylic, benzoyl peroxid… có thể vừa tác động đến vi nấm vừa hạn chế bài tiết bã nhờn
Nếu công tác chữa bệnh tại chỗ thất bại hoàn toàn, bệnh lang ben đỏ vẫn tái phát nhiều lần và khiến các tổn thương trên da lây lan rộng khắp, bác sĩ chuyên khoa sẽ cân nhắc điều trị toàn thân. Phương pháp này chỉ áp dụng đối với bệnh nhân trưởng thành, sau khi đã tiến hành kiểm tra chức năng gan cẩn thận.
Bên cạnh đó, người bệnh có thể được chỉ định dùng thêm một trong hai loại thuốc uống sau:
- Itraconazole với liều lượng 200mg/lần/ngày hoặc 200mg/2 lần/ngày trong 5 ngày
- Fluconazole với liều lượng 300mg/lần/tuần hoặc 400mg/lần/ngày khoảng 2 tuần
Nếu điều trị toàn thân thất bại, bác sĩ chuyên khoa sẽ đánh giá tình trạng miễn dịch và mức độ tuân thủ phác đồ chữa bệnh, sau đó thiết kế kháng sinh đồ phù hợp và tiến hành nuôi cấy nấm.
Trong quá trình điều trị lang ben đỏ bằng thuốc Tây, bệnh nhân cần lưu ý:
- Tuân thủ nghiêm túc mọi chỉ định của bác sĩ chuyên khoa
- Không tự ý sử dụng bất cứ loại thuốc nào khác khi chưa tham vấn y khoa cặn kẽ
- Trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ về thành phần và công dụng của từng loại thuốc
- Vệ sinh bề mặt da bệnh sạch sẽ trước khi thoa thuốc
- Bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng không mong muốn trong quá trình điều trị bằng thuốc Tây y như: ngứa ngáy, phát ban, nổi mề đay, kích ứng da… Nếu những biểu hiện bất thường này chỉ xuất hiện trong vòng vài giờ rồi biến mất, bạn không cần thông báo cho bác sĩ. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng này xảy ra thường xuyên và ngày càng tồi tệ, hãy tìm gặp bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt.
Áp dụng mẹo dân gian chữa bệnh lang ben đỏ
Bên cạnh việc uống thuốc và sử dụng thuốc bôi ngoài da, người bệnh có thể tận dụng một số loại thảo dược tự nhiên an toàn, lành tính như: rau răm, trầu không, vỏ bưởi, chuối xanh, củ nghệ, củ riềng, ké đầu ngựa… để ức chế vi nấm và phục hồi các vị trí tổn thương.
Bài thuốc từ rau răm
Rau răm vị cay, tính ấm, mùi thơm, có khả năng tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn, vi nấm gây bệnh. Các hoạt chất decanol, beta-caryophyllen, alpha-humulen… của rau răm giúp kháng viêm và ức chế quá trình phát triển của những loại vi nấm thường trú trên bề mặt làn da, đồng thời cải thiện sắc tố các vùng da bệnh. Ngoài ra, tinh dầu rau răm tự nhiên còn góp phần hạn chế tình trạng ngứa ngáy, khó chịu.
Cách thực hiện
- Chuẩn bị 1 nắm rau răm tươi
- Rửa sạch nguyên liệu với nước muối pha loãng trong vòng 10 phút
- Giã nhuyễn rau răm, hòa thêm một chút rượu trắng, trộn đều hỗn hợp
- Chắt lấy tinh chất nước cốt
- Vệ sinh sạch sẽ vùng da cần điều trị
- Nhẹ nhàng thoa dung dịch vừa làm lên vị trí lang ben
- Thực hiện 2 – 3 lần/ngày
Công thức từ lá trầu không
Theo nhiều nghiên cứu, tinh chất lá trầu không có thể cản trở quá trình phát triển của vi nấm, virus và vi khuẩn gây bệnh ngoài da vô cùng hiệu quả. Để điều trị những tổn thương da trên diện rộng, người bệnh có thể nấu nước lá trầu không để tắm gội hàng ngày. Muốn tăng cường khả năng chống nấm, bạn có thể bổ sung vào dung dịch này một chút gừng tươi và muối biển.
Bí quyết từ rượu nghệ
Thành phần ethanol từ rượu trắng có tác dụng loại bỏ dầu thừa, bã nhờn và ngăn cản quá trình phát triển của các loại nấm men phụ thuộc chất béo. Trong khi đó, với hàm lượng vitamin, chất khoáng và chất chống oxy hóa dồi dào, củ nghệ giúp thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào và phục hồi tổn thương. Bạn hãy nhẹ nhàng bôi rượu nghệ lên vùng da lang ben đỏ (sau khi đã vệ sinh cẩn thận), áp dụng 1 – 2 lần/ngày.
Bài thuốc từ chuối hột
Nhựa trái chuối xanh mang đặc tính kháng khuẩn, chống viêm tự nhiên. Do đó, vị thuốc này có khả năng ức chế vi nấm, bổ sung dưỡng chất và kích thích quá trình chữa lành vùng da lang ben.
Cách thực hiện
- Chuẩn bị 1 trái chuối xanh mới hái, còn nguyên nhựa
- Rửa sạch nguyên liệu
- Xắt thành lát mỏng
- Vệ sinh vùng da cần điều trị thật kỹ lưỡng
- Nhẹ nhàng đắp chuối xanh lên vị trí lang ben đỏ trong vòng 10 phút
- Thực hiện 2 lần/ngày
- Lưu ý: Vì nhựa chuối xanh mang tính chất tẩy mạnh, có thể dẫn đến hiện tượng kích ứng da nên bạn tuyệt đối không áp dụng mẹo dân gian này ở những vùng da nhạy cảm (chẳng hạn háng, mặt).
Công thức từ củ riềng
Củ riềng tính ấm, vị cay, nổi tiếng với đặc tính chống khuẩn và giảm đau tự nhiên. Loại dược liệu này có thể nhanh chóng tái tạo tế bào và phục hồi tổn thương. Bệnh nhân thoa tinh chất nước cốt riềng tươi lên vị trí tổn thương (sau khi vệ sinh sạch sẽ) khoảng 3 – 4 lần/ngày hoặc kết hợp với một số vị thuốc khác:
- Củ riềng ngâm rượu: Rửa sạch củ riềng, giã nhuyễn, ngâm trong bình thủy tinh với một lượng rượu trắng vừa đủ. Khi dung dịch chuyển sang màu vàng, bạn bôi rượu thuốc lên vùng da lang ben.
- Củ riềng nấu với chanh tươi: Rửa sạch củ riềng, giã nhuyễn. Trộn củ riềng với một chút nước cốt chanh tươi. Nấu sôi hỗn hợp trong vòng 3 phút. Bôi hỗn hợp lên vị trí cần điều trị khi nước nguội đi.
Bí quyết từ vỏ bưởi
Với hương thơm the mát tự nhiên, tinh dầu vỏ bưởi có tác dụng phòng chống oxy hóa vô cùng mạnh mẽ, giúp ức chế hoạt động của vi nấm gây bệnh, đồng thời bảo vệ làn da và hạn chế tổn thương.
Cách thực hiện
- Chuẩn bị 1 lượng vỏ bưởi vừa đủ
- Rửa sạch nguyên liệu, vớt ra để ráo
- Ép lấy tinh chất vỏ bưởi bằng cách dùng tay uốn cong
- Vệ sinh vùng da cần điều trị thật kỹ lưỡng
- Nhẹ nhàng bôi tinh dầu lên vị trí lang ben đỏ khoảng 30 phút
- Áp dụng 2 – 3 lần/ngày
Bài thuốc từ ké đầu ngựa
Với thành phần xanthumin, D-glucosid và vitamin C phong phú, ké đầu ngựa có thể kháng viêm và điều trị lang ben vô cùng hiệu nghiệm.
Cách sử dụng
- Chuẩn bị một lượng lớn ké đầu ngựa
- Rửa sạch dược liệu, vớt ra để ráo, sau đó phơi khô
- Mỗi lần sử dụng, bạn sắc kỹ một nắm ké đầu ngựa nhỏ
- Uống thuốc đều đặn cho đến khi bệnh tình thuyên giảm
Nhìn chung, 7 mẹo dân gian chữa bệnh lang ben đỏ trên khá an toàn, lành tính và hiếm khi gây ra tác dụng không mong muốn. Tuy nhiên, cách làm này chỉ có thể hỗ trợ quá trình điều trị và không thể thay thế các phương pháp điều trị chuyên khoa trong phác đồ chữa bệnh.
Hơn nữa, hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa kiểm chứng hiệu quả của những bài thuốc được đề cập. Do đó, bạn cần tham vấn y khoa cặn kẽ trước khi áp dụng, đồng thời chủ động thăm khám bác sĩ chuyên khoa ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường.
Hướng dẫn chăm sóc và phòng ngừa bệnh lang ben đỏ
Bệnh lang ben nói chung và lang ben đỏ nói riêng có khả năng lây nhiễm khá cao. Vì vậy, bên cạnh việc tuân theo mọi hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, bệnh nhân cần ghi nhớ một số vấn đề sau:
- Vệ sinh thân thể đúng cách, tắm rửa 1 – 2 lần/ngày
- Khi tắm xong, lau khô cơ thể thật cẩn thận trước lúc mặc quần áo
- Không tiếp xúc trực tiếp với người khỏe mạnh và không để họ dùng chung đồ đạc với bạn
- Thường xuyên giặt giũ quần áo, chăn, màn, gối, đệm… bằng xà phòng diệt khuẩn và phơi khô dưới ánh sáng mặt trời
- Cung cấp nhiều nước cho cơ thể, nhất là khi thời tiết gay gắt, nóng ẩm
- Hạn chế tham gia các hoạt động ngoài trời, gây đổ nhiều mồ hôi, thay vào đó, bạn có thể tăng cường bơi lội
- Luôn thoa kem chống nắng và che chắn kỹ lưỡng trước khi ra ngoài
- Ưu tiên dung nạp hoa quả, rau củ, ngũ cốc, kiêng cữ đồ ngọt, thức ăn cay nóng, nhiều chất béo, giàu gia vị
- Lựa chọn quần áo khô ráo, thấm hút, co giãn và thoáng rộng, tránh mặc trang phục còn ẩm ướt, bí hẹp
- Để ngăn ngừa bệnh lý tái phát, bạn có thể yêu cầu bác sĩ chuyên khoa kê thêm dầu gội chứa hoạt chất kháng nấm để bôi lên thân thể, giữ nguyên 10 phút, sau đó tắm lại với nước mát, thực hiện 1 lần/tháng hoặc dùng thuốc itraconazole với liều lượng 200mg/lần/tháng vào những tháng cao điểm nắng nóng trong năm
Tóm lại, lang ben đỏ là bệnh lý da liễu tương đối phổ biến. Tuy không tác động tiêu cực đến sức khỏe tổng thể nhưng vấn đề này có thể khiến bệnh nhân trở nên tự ti, lo lắng về làn da của mình. Bệnh lý không thể tự khỏi theo thời gian. Vì vậy, bạn cần chủ động thăm khám chuyên khoa và tích cực điều trị dứt điểm ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường.