Viêm đại tràng giả mạc là bệnh lý xuất hiện khi tình trạng viêm nhiễm cấp tính tại niêm mạc đại tràng do vi khuẩn C. difficile gây ra. Thông thường bệnh lý này sẽ xuất hiện sau một đợt điều trị dài bằng thuốc kháng sinh dài dẳng. Đặc biệt bệnh Viêm đại tràng giả mạc có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm phúc mạc, vỡ đại tràng, phình đại tràng nhiễm độc, thủng ruột, thậm chí tử vong.
Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị bệnh Viêm đại tràng giả mạc
Viêm đại tràng giả mạc hay còn có tên gọi khác là viêm đại tràng màng giả hay viêm đại tràng do kháng sinh dược biết đến là là bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa. Vấn đề này xuất hiện khi vi khuẩn C. difficile (clostridium difficile) phát triển quá mức và phá vỡ trạng thái cân bằng của hệ thống vi sinh đường ruột.
C. difficile là trực khuẩn kỵ khí gram dương có khả năng tạo thành bào tử trong mọi môi trường tự nhiên, nhất là ở khu vực bệnh viện hoặc cơ sở chăm sóc sức khỏe dài ngày, tức những địa điểm có mức độ sử dụng kháng sinh cao.
Vi khuẩn sẽ sinh sôi và phát triển nhanh chóng khi người bệnh điều trị bệnh lý nào đó bằng thuốc kháng sinh. Khi xâm nhập vào cơ thể, chúng bắt đầu tiết ra nhiều độc tố gây kích ứng, viêm nhiễm niêm mạc đại tràng, từ đó hình thành một lớp giả mạc và gây ra triệu chứng tiêu chảy.
Viêm đại tràng giả mạc rất phổ biến ở phụ nữ và nhóm người trên 65 tuổi. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, bệnh lý này có thể dẫn đến hàng loạt biến chứng phức tạp, khó lường.
Nguyên nhân gây bệnh viêm đại tràng giả mạc
Bình thường, hệ thống vi sinh đường ruột tồn tại ở trạng thái cân bằng tự nhiên. Tuy nhiên, thuốc kháng sinh cùng một số loại thuốc Tây khác có thể phá vỡ sự ổn định này. Bệnh viêm đại tràng giả mạc khởi phát khi một số vi khuẩn (phổ biến nhất là C. difficile) sinh sôi và phát triển quá mức.
Nhìn chung, những độc tố của chủng vi khuẩn này khá thấp và thường không gây nguy hại đến sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, khi chúng sinh trưởng mạnh mẽ và tiết ra quá nhiều độc tố, niêm mạc đại tràng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo các chuyên gia, với khả năng chống lại nhiều loại thuốc khử trùng thông thường, bào tử vi khuẩn C. difficile có thể lây truyền dễ dàng từ bàn tay của nhân viên y tế sang người bệnh. Tuy nhiên, một số báo cáo ghi nhận rằng, hiện nay, ngày càng có nhiều bệnh nhân bị nhiễm bào tử C. difficile ngay cả khi không sử dụng thuốc kháng sinh cũng như không được nhân viên y tế chăm sóc.
Hiện nay, các nhà khoa học đã phát hiện nhiều loại thuốc kháng sinh dẫn đến bệnh viêm đại tràng giả mạc. Trong đó, một số loại thuốc có thể gây ra nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn hẳn các loại còn lại, đó là:
- Clindamycin (cleocin®)
- Cephalosporin như cefixime (suprax®)
- Penicillin như: ampicillin, amoxicillin
- Fluoroquinolones như: ciprofloxacin (cipro®), levofloxacin (levaquin®)…
Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân cũng bị viêm đại tràng giả mạc do hóa trị trong quá trình chữa bệnh ung thư. Kỹ thuật điều trị này sẽ phá vỡ trạng thái cân bằng tự nhiên của hệ vi sinh đường ruột. Ngoài ra, một số bệnh lý ảnh hưởng đến đường ruột (bệnh Crohn, viêm loét đại tràng…) cũng có thể là nguyên nhân hình thành bệnh viêm đại tràng giả mạc.
Ngoài ra, chế độ ăn uống không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (dung nạp thức ăn ôi thiu, tươi sống, chưa chín kỹ, nhiễm bẩn) sẽ tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn C. difficile xâm nhập và tấn công gây hại ở đại tràng. Đặc biệt, thời điểm sức đề kháng của cơ thể suy yếu thường là lúc bệnh lý này bùng phát dữ dội.
Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm đại tràng giả mạc
Những triệu chứng của bệnh viêm đại tràng giả mạc sẽ xuất hiện trong khoảng 1 – 2 tuần sau khi bệnh nhân bắt đầu sử dụng thuốc kháng sinh hoặc sau khi họ ngưng dùng thuốc vài tuần.
Tình trạng nhiễm trùng mức độ nhẹ và trung bình
- Tiêu chảy 3 lần/ngày trở lên và kéo dài trên 2 ngày
- Đau quặn vùng bụng
- Nhiễm trùng nặng
Những bệnh nhân nhiễm C. difficile nghiêm trọng dễ mất nước và cần được nhập viện kịp thời. Loại vi khuẩn này có thể khiến ruột kết bị viêm nhiễm, thậm chí hình thành một số mảng mô thô tích mủ hoặc chảy máu.
Tình trạng nhiễm trùng nặng
- Sốt cao
- Buồn nôn
- Giảm cân
- Sưng bụng
- Ăn không ngon
- Mất nước
- Tiêu chảy 10 – 15 lần/ngày
- Tim đập nhanh
- Đau quặn bụng
- Đi tiêu ra máu, mủ
- Sút cân
- Suy thận
- Tăng số lượng bạch cầu
Tình trạng này có thể dẫn đến hiện tượng mở rộng đại tràng (megacolon độc hại), viêm ruột nặng và nhiễm trùng huyết. Khi bị nhiễm trùng nặng, người bệnh sẽ được ưu tiên chăm sóc đặc biệt.
Bệnh viêm đại tràng giả mạc thường tiến triển nhanh chóng và dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện kịp thời. Bệnh nhân hãy chủ động thăm khám bác sĩ chuyên khoa ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường sau:
- Nóng sốt
- Tiêu chảy trên 3 lần/ngày, phân lỏng và nhiều nước
- Đau bụng dữ dội
- Đại tiện ra máu
- Những triệu chứng trên kéo dài quá 2 ngày
Biến chứng của bệnh viêm đại tràng giả mạc
Bệnh viêm đại tràng giả mạc liên quan đến thói quen lạm dụng thuốc kháng sinh. Sự phát triển quá mức vi khuẩn C. difficile có thể sản sinh hàng loạt độc tố gây kích ứng đường ruột, từ đó dẫn đến bệnh viêm đại tràng giả mạc.
C. difficile là một loại hại khuẩn tồn tại bên trong đường ruột, được tìm thấy ở 3 – 5% người trưởng thành khỏe mạnh. Theo thống kê, chúng đang khu trú trong đại tràng của khoảng 50% trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, bệnh viêm đại tràng giả mạc ở nhóm đối tượng này rất hiếm gặp và thường không biểu hiện triệu chứng.
Viêm đại tràng giả mạc không chỉ gây ra nhiều triệu chứng phiền toái mà còn có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là khi bệnh bước vào giai đoạn nặng nề.
Mất nước và rối loạn điện giải
Tình trạng này xuất hiện khi bệnh nhân bị tiêu chảy quá nhiều trong ngày. Sau mỗi lần đại tiện, lượng nước và chất điện giải bị thất thoát đáng kể. Vì vậy, cơ thể người bệnh rơi vào trạng thái thiếu nước và mất cân bằng điện giải với các triệu chứng sau:
- Khô môi
- Tiểu ít
- Choáng váng, mệt mỏi
- Tụt huyết áp
- Rối loạn nhịp tim
Phình đại tràng nhiễm độc
Trong một số trường hợp, người bệnh bị táo bón kéo dài. Dưới áp lực của một lượng phân quá lớn, đại tràng dễ bị phình giãn, nở rộng. Không chỉ dừng lại ở đó, những chất độc hại trong phân cũng sẽ thẩm thấu ngược vào đại tràng. Đây chính là hai nguyên nhân hàng đầu gây ra biến chứng phình đại tràng nhiễm độc.
Thủng vỡ đại tràng
Tuy đây là biến chứng tương đối hiếm gặp nhưng người bệnh chớ chủ quan, xem thường. Đại tràng sẽ bị vỡ thủng sau một khoảng thời gian dài nhiễm trùng và viêm loét. Theo thời gian, những tổn thương nặng nề này sẽ từ từ ăn sâu vào thành đại tràng, từ đó hình thành lỗ thủng.
Viêm phúc mạc
Khi đại tràng bị thủng, các vi khuẩn gây hại từ bên trong đại tràng sẽ ồ ạt tràn vào và tấn công khoang bụng, dẫn đến bệnh viêm phúc mạc. Đây là một trong những biến chứng rất nguy hiểm, có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng bệnh nhân. Dấu hiệu nhận biết của tình trạng này bao gồm:
- Sốt cao
- Tiểu ít
- Khát nước
- Đau bụng
- Buồn nôn và nôn ói
- Tiêu chảy
- Trướng bụng
Suy thận
Biến chứng suy thận xảy ra khi người bệnh bị mất nước quá nghiêm trọng và nhanh chóng. Vấn đề này sẽ khiến thận bị tổn thương đột ngột và suy giảm chức năng.
Tử vong
Viêm đại tràng giả mạc có xu hướng tái phát thường xuyên ngay cả khi bệnh lý đã được điều trị dứt điểm. Hơn nữa, nếu không được xử lý kịp thời, căn bệnh này có thể gây tử vong.
Biện pháp chẩn đoán bệnh viêm đại tràng giả mạc
Thăm khám lâm sàng, xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, nội soi đại tràng và một số xét nghiệm hình ảnh khác chính là những biện pháp chẩn đoán bệnh viêm đại tràng giả mạc phổ biến nhất hiện nay:
- Thăm khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ trò chuyện với người bệnh để thu thập thông tin về triệu chứng, chế độ dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt, tiền sử mắc bệnh và các loại thuốc Tây mà bệnh nhân đang sử dụng, đồng thời kiểm tra bên ngoài vùng bụng nhằm xác định điểm đau cùng một số dấu hiệu liên quan.
- Xét nghiệm máu: Sự gia tăng bất thường của số lượng tế bào bạch cầu trong máu chứng tỏ đại tràng đang bị viêm nhiễm. Bên cạnh đó, số lượng hồng cầu cho phép bác sĩ chuyên khoa phát hiện sớm chứng thiếu máu cũng như đánh giá tình trạng đại tiện của người bệnh.
- Xét nghiệm phân: Kỹ thuật nuôi cấy phân giúp tìm kiếm sự hiện diện của vi khuẩn C. difficile (nguyên nhân chính gây bệnh viêm đại tràng giả mạc).
- Nội soi đại tràng: Từ hình ảnh nội soi đại tràng của người bệnh, bác sĩ có thể quan sát nhiều vết sưng phù hoặc mảng màu vàng nổi bật trên lớp niêm mạc ruột.
- Những xét nghiệm hình ảnh khác: Kỹ thuật chụp CT và chụp X-quang hỗ trợ bác sĩ phát hiện biến chứng thủng ruột hoặc phình giãn đại tràng.
Phương pháp điều trị bệnh viêm đại tràng giả mạc
Trong quá trình chữa bệnh viêm đại tràng giả mạc, bệnh nhân cần ngừng sử dụng thuốc kháng sinh đang dùng, đồng thời thay thế chúng bằng một số loại thuốc mới nhạy cảm hơn với vi khuẩn C. difficile. Kết quả thống kê cho thấy, khoảng 15 – 23% bệnh nhân đáp ứng tốt với hướng khắc phục đơn giản này. Ngoài ra, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định phẫu thuật cho những trường hợp viêm nhiễm quá nặng nề.
Ngưng dùng thuốc kháng sinh đang sử dụng
Việc sử dụng thuốc kháng sinh chính là một trong những nguyên nhân phát sinh hàng đầu của bệnh viêm đại tràng giả mạc. Do đó, bác sĩ chuyên khoa sẽ yêu cầu bệnh nhân ngừng sử dụng loại thuốc kháng sinh đang dùng. Điều này góp phần cản trở tiến triển bệnh lý, hạn chế tổn thương, cũng như cải thiện các triệu chứng liên quan.
Phác đồ điều trị chung của bệnh viêm đại tràng giả mạc bao gồm bù dịch và kiêng cữ các loại thuốc ức chế nhu động ruột. Các chuyên gia cho biết, những loại thuốc ức chế nhu động (metronidazol, vancomycin) thường khá an toàn với những bệnh nhân bị nhiễm trùng thể nhẹ đến trung bình.
Thay thế bằng loại thuốc kháng sinh khác
Nếu người bệnh đã ngừng dùng thuốc kháng sinh hiện tại nhưng các triệu chứng vẫn không thuyên giảm, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định một số loại thuốc kháng sinh khác. Những loại thuốc được lựa chọn có công dụng ức chế quá trình sinh sôi – phát triển của vi khuẩn C. difficile, sau đó tiêu diệt chúng.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng nhiễm trùng, những loại thuốc kháng sinh mới sẽ được yêu cầu bổ sung thông qua đường uống hoặc đường tiêm tĩnh mạch. Trong một số trường hợp, thuốc kháng sinh có thể được cân nhắc dùng kèm men vi sinh nhằm tái cân bằng – ổn định hệ vi sinh đường ruột.
Tất cả loại thuốc kháng sinh (nhất là vancomycin) nên được đưa vào cơ thể thông qua đường miệng. Sự đáp ứng của cơ thể với thuốc metronidazol có thể diễn ra chậm chạp. Các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo bệnh nhân dùng metronidazol và vancomycin ít nhất 10 ngày, cụ thể:
- Đối với thể nhẹ: Đa số trường hợp không cần điều trị bằng thuốc kháng sinh. Nếu cần thiết, bạn sẽ được chỉ định uống metronidazol với liều lượng 400 – 500mg 3 lần/ngày trong vòng 10 – 14 ngày.
- Đối với thể trung bình: Tương tự liều lượng dùng thuốc khi bị bệnh viêm đại tràng giả mạc thể nhẹ, người bệnh hãy uống metronidazol với liều lượng 400 – 500mg 3 lần/ngày trong vòng 10 – 14 ngày.
- Đối với thể nặng: Người bệnh nên uống vancomycin với liều lượng 125mg 4 lần/ngày trong vòng 10 – 14 ngày. Nếu không đáp ứng với vancomycin, độc giả có thể được hướng dẫn dùng fidaxomicin với liều lượng 200mg 2 lần/ngày. Một phương án khác là kết hợp bổ sung vancomycin liều cao 500mg 4 lần/ngày qua ống thông dạ dày với các mũi tiêm tĩnh mạch metronidazol 500mg 3 lần/ngày. Ngoài ra, liệu trình sử dụng IV immunoglobulin với liều lượng 400mg/kg cân nặng cơ thể hoặc rifampicin 300mg 2 lần/ngày cũng có thể được cân nhắc.
Cấy ghép phân (FMT)
Nếu bị viêm đại tràng giả mạc quá nặng, người bệnh sẽ được chữa bệnh bằng kỹ thuật cấy ghép phân. Bằng cách cấy ghép phân của bệnh nhân với phân của đối tượng hiến tặng có sức khỏe bình thường, phương pháp này giúp khôi phục trạng thái cân bằng tự nhiên của hệ thống vi sinh đường ruột bên trong đại tràng, từ đó kiểm soát và đẩy lùi bệnh lý.
Can thiệp phẫu thuật
Đây là giải pháp điều trị phù hợp nhất khi bệnh nhân gặp phải biến chứng viêm phúc mạc, thủng vỡ đại tràng hay suy nội tạng.
Sau khi phẫu thuật mổ hở hoặc nội soi, người bệnh cần được nghỉ ngơi hoàn toàn để nhanh chóng hồi phục, hạn chế lao động nặng nhọc, đồng thời ưu tiên dung nạp thức ăn nhuyễn mịn, mềm lỏng. Ngoài ra, thói quen dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa và thay băng, bôi thuốc vết mổ đúng cách cũng góp phần rút ngắn thời gian chữa lành.
Một số lưu ý dành cho bệnh nhân
Để cải thiện tình trạng nhiễm trùng một cách an toàn, hiệu quả cũng như phòng ngừa rủi ro bệnh tình tái phát, bạn cần ghi nhớ những vấn đề sau:
- Sử dụng thuốc kháng sinh theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa
- Tuyệt đối không dùng thuốc bừa bãi hoặc tự ý thay đổi liệu trình điều trị
- Bổ sung lượng nước cần thiết cho cơ thể bằng cách dùng nhiều nước lọc, trà thảo mộc, nước ép trái cây, thức ăn mềm lỏng…
- Tăng cường dung nạp trái cây, thịt cá, sữa chua, rau củ và các loại hạt
- Có thể uống thêm paracetamol nếu bị nóng sốt hoặc đau bụng dữ dội sau khi đã tham vấn y khoa
- Rửa tay cẩn thận, sạch sẽ trước – sau khi chế biến món ăn, dùng bữa và đi vệ sinh
- Tuyệt đối không tiếp xúc với phân của người bệnh
- Kiêng cữ đồ ngọt, thức ăn nhanh, thực phẩm chua – cay – nóng, chiên xào, nhiều dầu mỡ, nước ngọt, rượu bia, cà phê, trà đặc và các chất kích thích
- Tránh dùng thuốc cầm tiêu chảy (vì loại thuốc này có thể cản trở quá trình đào thải vi khuẩn gây hại ra khỏi cơ thể)
Với những thông tin cần biết ngắn gọn về bệnh viêm đại tràng giả mạc trên, hy vọng độc giả đã hiểu rõ nguyên nhân hình thành, nắm vững dấu hiệu nhận biết cũng như biết cách xử lý kịp thời, hiệu quả nếu đang mắc phải vấn đề sức khỏe này.