Trĩ là một trong những căn bệnh có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, vì đây là căn bệnh vô cùng nhạy cảm và khó nói nên thường sẽ khiến người bệnh tự ti e ngại, ngoài ra căn bệnh cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hơn thế nữa còn tiềm ẩn nhiều biến chứng khó lường. Thông thường bệnh trĩ sẽ được chia thành nhiều loại, ngoài 2 loại chính là trĩ nội và trĩ ngoại thì còn có bệnh trĩ vòng. Trĩ vòng hầu như sẽ chiếm hầu hết chu vi của hậu môn, đồng thời cũng sẽ hình thành khi có 3 búi trĩ trở lên và cũng như loại trĩ khác nó sẽ gây nhiều đau đớn cho người bệnh.
Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị dứt điểm Bệnh trĩ vòng
Nhắc đến trĩ, người ta chỉ biết đến 2 loại phổ biến là trĩ nội và trĩ ngoại. Thế nhưng trĩ cũng có một dạng đang dần trở nên phổ biến, có xu hướng gia tăng hiện nay là trĩ vòng. Trĩ là bệnh xảy ra khi các đám rối tĩnh mạch làm nhiệm vụ kiểm soát thải phân ra ngoài bị sưng viêm, phình giảm quá mức. Khi mắc trĩ, người bệnh thường có các triệu chứng đặc trưng như ngứa rát, chảy máu hậu môn. Bệnh trĩ được chia thành nhiều loại như:
- Trĩ nội: Là tình trạng các búi trĩ hình thành trên đường lược, bệnh được chia thành 4 mức độ từ nhẹ đến nặng tùy vào kích thước và độ sa của búi trĩ
- Trĩ ngoại: Xảy ra khi đám rối tĩnh mạch sưng viêm ở bên ngoài ống hậu môn, có lớp da quanh hậu môn phủ lên búi trĩ
- Trĩ hỗn hợp: Gồm cả trĩ nội lẫn trĩ ngoại, xảy ra khi dây chằng hậu môn giãn ra khiến trĩ nội và trĩ ngoại gặp nhau gây ra bệnh trĩ hỗn hợp.
- Trĩ vòng: Ban đầu, vị trí của trĩ vòng là ở các đám rối tĩnh mạch, lúc mới phát sinh, búi trĩ còn nhỏ, phân tách riêng biệt, khi phát triển, các búi trĩ phụ sẽ xuất hiện giữa các búi trĩ chính tạo thành trĩ vòng. Trĩ vòng sẽ có chỗ to chỗ nhỏ, tuy nhiên nó chiếm hầu hết chu vi hậu môn và là dấu hiệu để phân biệt với tình trạng sa trực tràng.
Trĩ vòng là loại trĩ đang trở nên dần phổ biến trong thời gian gần đây, bệnh hình thành khi các búi trĩ hỗn hợp liên kết với nhau, thường xảy ra với 3 búi trĩ trở lên. Một số nghiên cứu cho rằng, trĩ vòng là thể bệnh hiếm gặp, xảy ra khi bệnh trĩ chuyển biến nặng, hình thành trên cơ sở bệnh trĩ hỗn hợp. Tuy nhiên, một số tài liệu khác lại cho rằng, trĩ vòng là bệnh hình thành một cách độc lập.
Khi mắc trĩ vòng, người bệnh có thể nhận biết và phân biệt với các dạng trĩ khác bởi đặc trưng là các búi trĩ hình thành nên vòng quanh ống hậu môn. Ban đầu, các búi trĩ xuất hiện đơn lẻ, phân tách riêng biệt, khó phân biệt với các dạng trĩ khác, thế nhưng sau một thời gian chúng lớn dần và liên kết với các búi trĩ lớn, vòng trĩ sẽ có chỗ to chỗ nhỏ.
Nguyên nhân gây bệnh trĩ vòng
Trước đây, trĩ vòng không xuất hiện phổ biến, là thể bệnh hiếm gặp, tuy nhiên hiện nay bệnh đang có xu hướng gia tăng, dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm. Trĩ vòng xuất hiện do một số nguyên nhân như:
- Chế độ ăn uống: Một chế độ ăn uống thiếu khoa học, không hợp vệ sinh dễ gây táo bón hoặc tiêu chảy. Khi hệ tiêu hóa gặp vấn đề gây ra táo bón hoặc tiêu chảy trong thời gian dài, thành tĩnh mạch ruột dễ bị tổn thương, thành mạch, xương chậu và vùng hậu môn cũng dễ bị áp lực gây ứ huyết dẫn đến sự hình thành của búi trĩ.
- Thiếu nước: Ít uống nước, không bổ sung nước thường xuyên cho cơ thể cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh thường gặp. Hẳn bạn cũng biết, nước chiếm 80% trong cơ thể, có vai trò tăng tuần hoàn máu, giúp tĩnh mạch hoạt động trơn tru. Không những thế, nước còn cung cấp chất lỏng hỗ trợ việc tiêu hóa thức ăn, làm mềm phân. Thiếu nước không chỉ gây táo bón mà còn nguy hiểm nếu bạn bị tiêu chảy kéo dài, khi thiếu nước, thành tĩnh mạch khó hoạt động, dễ bị tổn thương gây ra bệnh trĩ.
- Tính chất công việc: Những người có tính chất công việc phải thường xuyên đứng hoặc ngồi như văn phòng, thợ may, lái xe… thường dễ mắc trĩ do ít vận động khiến máu không được lưu thông đến các cơ quan nhất là vùng chậu.
- Mang thai: Phụ nữ mang thai cũng là một trong những đối tượng dễ mắc trĩ vòng. Khi mang thai, trọng lượng bào thai làm tăng sức ép lên thành tĩnh mạch, khiến tĩnh mạch ở trực tràng, hậu môn dễ bị lồi, phù, sa xuống từ đó gây ra các đám rối tĩnh mạch dẫn đến mắc trĩ.
- Tuổi tác: Theo nghiên cứu, nguy cơ mắc bệnh trĩ ở người trên 60 tuổi lên đến 70%. Lý do là khi tuổi tác càng cao, cơ vòng đàn hồi kém hơn khiến tĩnh mạch co giãn khó khăn, nếu kết hợp với chế độ ăn uống và lối sống thiếu khoa học sẽ gây ra bệnh trĩ
Triệu chứng thường gặp
Nhìn chung, các biểu hiện ban đầu của bệnh trĩ vòng khá tương tự với trĩ ngoại, có thể nhận biết trĩ vòng bằng các dấu hiệu sau:
- Ban đầu, người bệnh sẽ thấy ở mép rìa hậu môn xuất hiện các búi trĩ nhỏ như cục thịt dư mọc đơn lẻ
- Khi bệnh mới khởi phát, các búi trĩ không gây chảy máu nhưng khiến người bệnh cảm thấy vướng víu, đôi khi đau rát khó chịu
- Khi búi trĩ tổn thương sẽ gây ra tình trạng đi ngoài lẫn máu, ban đầu chỉ thấy máu dính trên giấy lau, nếu tiến triển nặng thì máu chảy thành giọt hoặc tạo thành tia
- Táo bón hoặc tiêu chảy, đặc biệt là táo bón nặng khiến người bệnh phải rặn khi đi đại tiện
- Người mệt mỏi, xanh hoặc vàng da, hay uể oải, thể trạng suy kiệt do mất máu
- Khi ăn đồ cay nóng có cảm giác hơi nóng rát vùng hậu môn
- Nếu nghiêm trọng sẽ cảm giác được búi trĩ sa ra ngoài khiến việc đại tiện gặp khó khăn.
Bệnh trĩ vòng có nguy hiểm không?
Bệnh trĩ vòng nếu không được sớm phát hiện và điều trị sẽ khiến các búi trĩ xuất huyết khi đi đại tiện, kích thước của búi trĩ cũng tăng dần theo thời gian. Trường hợp người bệnh chủ quan hoặc e ngại không sớm thăm khám và điều trị, rìa hậu môn sẽ xuất hiện thêm các búi trĩ lớn nhỏ kích thước khác nhau, giữa các búi trĩ là những ngấn nông sau khác nhau.
Bệnh trĩ vòng và trĩ hỗn hợp được đánh giá là có mức độ nguy hiểm cao, nếu không được sớm thăm khám và điều trị, có thể gây ra một số vấn đề như:
- Nhiễm trùng thậm chí hoại tử hậu môn khi búi trĩ sa ra ngoài, phình to, gây viêm nhiễm, tắc hay nghiêm trọng hơn là hoại tử hậu môn
- Ung thư hậu môn, trực tràng do các búi trĩ sưng to, liên kết với nhau thành vòng ở hố ngồi hoặc dưới niêm mạc hậu môn
- Tắc mạch, nứt kẽ hậu môn khi táo bón kéo dài do búi trĩ sưng to, đại tiện ra máu, gặp khó khăn đau đớn khi ngồi ngay cả khi không đi cầu.
- Mất máu nghiêm trọng do xuất huyết nghiêm trọng, theo thống kê có đến 94% các trường hợp mắc trĩ vòng bị mất máu dẫn đến suy giảm thể trạng.
Phương pháp điều trị
Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh trĩ vòng chỉ có thể được điều trị bằng phẫu thuật. So với các dạng trĩ khác thì phẫu thuật điều trị trĩ vòng phức tạp hơn nhiều. Do các búi trĩ chiếm hầu hết bề mặt hậu môn và liên kết với nhau, nếu không cẩn thận sẽ khiến bệnh nhân bị thiếu máu và nhiều biến chứng nguy hiểm sau phẫu thuật. Một số phương pháp phẫu thuật điều trị bệnh trĩ có thể kể đến như:
1. Chữa bệnh trĩ bằng phương pháp Longo
Là kỹ thuật sử dụng máy cắt và khâu vòng niêm mạc để cắt vòng niêm mạc ở tên đường lược và dưới niêm mạc trực tràng với mục đích kéo búi trĩ và lớp niêm mạc về lại vị trí cũ. Phương pháp này được đánh giá là thích hợp với người bị trĩ vòng và người mắc trĩ ngoại, trĩ nội độ 3, độ 4. Thế nhưng, phương pháp này có nhược điểm là chi phí cao, chỉ có thể thực hiện được ở một số cơ sở y tế nhất định vì mỗi bộ dụng cụ Longo chỉ được sử dụng một lần.
2. Khâu treo trĩ vòng bằng tay
Khâu treo trĩ là phương pháp điều trị dựa trên nguyên tắc của phẫu thuật Longo có tác dụng thu nhỏ thể tích khối trĩ, làm giảm lưu lượng máu di chuyển đến búi trĩ và treo búi trĩ lên ống hậu môn. Kỹ thuật này được chỉ định thực hiện cho các trường hợp bệnh nhân mắc trĩ vòng, trĩ nội độ 3 hoặc độ 4, không phù hợp cho bệnh nhân hẹp hậu môn, nghẽn mạch toàn bộ, trĩ tái phát, trĩ triệu chứng…
3. Khâu cột động mạch với máy siêu âm Doppler
Đây là kỹ thuật điều trị bệnh trĩ vòng tương tự phương pháp treo vòng bằng tay. Tuy nhiên, khác với phương pháp trên, toàn bộ quá trình của kỹ thuật này được thực hiện với sự hỗ trợ của máy siêu âm Doppler. Trong đó, đầu dò siêu âm gắn liền với ống soi hậu môn, tiếp đó bác sĩ sẽ tìm nhánh động mạch sau đó sẽ khâu lại trên đường lược.
Biện pháp hỗ trợ điều trị bệnh trĩ vòng
Để hỗ trợ điều trị bệnh trĩ vòng, người bệnh cần:
Thay đổi cách chăm sóc
Dù mắc trĩ nội, trĩ ngoại, trĩ hỗn hợp hay trĩ vòng, bạn đều có thể áp dụng cách chăm sóc dưới đây để giảm đau và hỗ trợ tích cực cho quá trình điều trị, có thể kể đến như:
- Chườm lạnh: Bạn vệ sinh sạch sẽ vùng hậu môn rồi cho đá lạnh vào một chiếc khăn sạch, chườm lên vùng bị trĩ trong vài phút để giúp giảm huyết ứ ở tĩnh mạch
- Dùng nước mát: Vệ sinh sạch sẽ vùng hậu môn, lấy một chậu nước lạnh rồi ngồi lên chậu sẽ giúp cải thiện lưu thông máu, hỗ trợ giảm sa búi trĩ
- Vận động thường xuyên: Hãy dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để vận động cơ thể bằng cách tập yoga, bơi lội, đi bộ… việc ít vận động, ngồi hoặc đứng một chỗ trong nhiều giờ sẽ ảnh hưởng đến sự lưu thông khí huyết khiến triệu chứng bệnh trĩ nghiêm trọng hơn.
- Thay đổi thói quen đại tiện: Để tránh không làm bệnh chuyển biến nặng, người bệnh nên khắc phục các thói quen không tốt như đọc báo, chơi điện tử, rặn khi đi đại tiện… Tốt nhất nên tập đi đại tiện vào một giờ cố định trong buổi sáng để tạo phản xạ tốt cho hệ tiêu hóa. Ngoài ra, nên rửa hậu môn hàng ngày, nhất là sau khi đi đại tiện để hạn chế tình trạng viêm nhiễm.
Thay đổi chế độ dinh dưỡng
Bên cạnh chế độ chăm sóc, thói quen và chế độ ăn uống cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hồi phục của người bệnh trĩ. Khi mắc trĩ, người bệnh nên:
- Bổ sung sắt bằng các thực phẩm giàu sắt như động vật có vỏ, rau bina, thịt đỏ, các loại đậu, bông cải xanh, đậu phụ… để ngăn ngừa, cải thiện tình trạng thiếu máu do chảy máu khi đi đại tiện gây ra
- Tăng chất xơ: Tăng cường ăn nhiều rau xanh, củ quả tươi chứa nhiều chất xơ để hỗ trợ hoạt động của nhu động ruột và giảm thiểu tình trạng táo bón
- Giảm đạm, chất béo no: Là các thực phẩm dễ gây khó tiêu, có thể khiến người bệnh bị táo bón nghiêm trọng gây áp lực lên thành tĩnh mạch khi đi đại tiện.
- Tránh thức ăn lên men, tạo axit: Có thể gây tăng tiết dịch vị dạ dày, tăng nguy cơ táo bón, khó tiêu, không chỉ ảnh hưởng đến bệnh trĩ mà còn gia tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư. Các thực phẩm này là dưa muối, cà muối, măng chua…
- Đặc biệt, người bệnh trĩ nên uống nhiều nước, tốt nhất là 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày để hỗ trợ tiêu hóa, làm mềm phân.
Giảm đau bằng biện pháp dân gian
Một số phương pháp dân gian giúp giảm đau, hỗ trợ điều trị bệnh trĩ, thúc đẩy quá trình hồi phục có thể kể đến như:
- Dùng lá diếp cá: Lấy 1 nắm lá diếp cá rửa sạch, ngâm nước muối loãng, giã nát rồi đắp vào hậu môn. Bên cạnh đó, bạn có thể lấy lá diếp cá đun nước, xông rồi ngâm rửa hậu môn ngày 1 lần.
- Sử dụng lá bỏng: Có thể lấy một ít lá bỏng, rửa sạch, giã nát hoặc đun với rau sam đắp rửa ở vùng bị trĩ.
- Sử dụng lá trầu không: Lấy một nắm lá trầu không rửa sạch, đun lấy nước rồi dùng nước này xông và ngâm rửa sẽ giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh trĩ đáng kể.
Trên đây là một số thông tin giúp bạn giải đáp thắc mắc bệnh trĩ vòng là gì, cách điều trị và biện pháp giảm đau do bệnh trĩ vòng gây ra. Trĩ vòng là bệnh lý nguy hiểm, do đó, khi có các triệu chứng của bệnh, tốt nhất bạn nên nhanh chóng thăm khám bác sĩ để được kịp thời chẩn đoán và điều trị.