Bệnh Eczema ở trẻ em thường rất dễ bị nhầm lẫn với một số loại bệnh ngoài da khác như viêm da dị ứng, viêm da cơ địa, viêm da bã tiết,…Để việc điều trị đạt được kết quả tốt nhất, các bậc phụ hunh nên nắm rõ các biểu hiện và nguyên nhân gây bệnh, từ đó áp dụng các biện pháp phòng ngừa cunhx như điều trị hiệu quả nhất.
Dấu hiệu nhận biết và phương pháp điều trị bệnh Eczema ở trẻ em
Bệnh Eczema hay còn có tên gọi khác là bệnh chàm Eczema, thông thường bệnh sẽ khởi phát khi làn da bị kích thích, bị khô ráp, ngứa ngáy và đỏ. Ngoài ra bệnh chàm có các thể khác nhau, bao gồm:
- Chàm đồng tiền: Những tổn thương ở dạng bệnh lý này có hình tròn hoặc hình oval. Khu vực da bị bệnh có thể tiết dịch, nổi mụn nước ở khủy tay, đầu gối và mặt. Thông thường những mụn nước sẽ mọc sâu trong da và có xu hướng tự vỡ.
- Chàm tiếp xúc: Bệnh xuất hiện khi da tiếp xúc trực tiếp với các dị nguyên gây kích thích như quần áo bó sát, vòng tay, đồng hồ, mắt kính,…
- Chàm bã nhờn: Các triệu chứng ở thể này thường khu trú ở vùng mặt và da đầu, gây lở loét, tiết dịch và đóng vảy tiết.
- Chàm thể địa: Các tổn thương thường tập trung ở vùng trán, có hình cánh bướm hoặc móng ngựa. Bề mặt vùng da bị chàm rất dễ vỡ, tiết dịch và đóng vảy tiết trên da.
Bệnh chàm Eczema không có khả năng lây nhiễm và không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị bệnh dứt điểm. Các phương pháp chữa trị chỉ có thể kiểm soát các triệu chứng của bệnh hiệu quả. Đồng thời, ngăn ngừa bệnh tái lại nhiều lần.
Nguyên nhân gây bệnh Eczema ở trẻ em
Hiện tại, các chuyên gia vẫn chưa tìm ra được căn nguyên cụ thể gây ra bệnh Eczema bao gồm bệnh Eczema ở trẻ em. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị bác sĩ ghi nhận một số yếu tố có thể gây bùng phát các triệu chứng của bệnh lý này, bao gồm:
- Yếu tố di truyền: Nếu trong gia đình, có ba, mẹ mắc phải bệnh chàm thì nguy cơ con cái mắc phải bệnh lý này rất cao.
- Yếu tố môi trường: Bệnh Eczema và Eczema ở trẻ em có liên quan mật thiết với rối loạn hệ miễn dịch, tình trạng này gây ảnh hưởng đến việc bảo vệ làn da cũng như giữ độ ẩm tự nhiên cho da. Một số tác nhân có nguy cơ gây kích ứng như: Hóa chất, mủ nhựa thực vật, chất tẩy rửa, thực phẩm có khả năng gây dị ứng, phấn hoa, lông động vật,…
- Sản sinh Ceramides quá ít: Các tế bào mỡ trong cơ thể sản sinh ít sẽ khiến da bị mất nước, trở nên khô ráp, dễ tổn thương và từ đó gây bùng phát các triệu chứng của bệnh Eczema ở trẻ em
Ngoài ra, một số nguyên nhân dưới đây khiến các triệu chứng bệnh chàm ở trẻ em trở nên nghiêm trọng hơn như:
- Tiếp xúc trực tiếp với các dị nguyên như xà phòng tắm, các sản phẩm chăm sóc da, quần áo có chất liệu dày cứng, bột giặt, nước xả vải có chứa các chất tẩy rửa mạnh.
- Da khô: Đặc biệt khi thời tiết trở nên khô hanh, độ ẩm của da của trẻ sẽ thấp, gây ra tình trạng ngứa ngáy, khô ráp, bong tróc, dễ bị kích ứng và gây bùng phát bệnh chàm.
- Đổ nhiều mồ hôi: Khi nhiệt độ tăng cao, trẻ sẽ tiết nhiều mồ hôi, nếu ba mẹ không chăm sóc da đúng cách sẽ gây ra tình trạng ngứa ngáy, dẫn đến bệnh chàm trở nên nghiêm trọng hơn.
- Trường hợp trẻ bị căng thẳng, áp lực, stress trong thời gian dài cũng có thể gây bùng phát các triệu chứng của bệnh Eczema và trở nên nặng hơn.
- Dị ứng thực phẩm cũng là một trong những tác nhân gây bệnh chàm ở trẻ em. Các loại thực phẩm như đậu phộng, trứng, sữa bò, hải sản đều có nguy cơ gây dị ứng cao.
Các triệu chứng của bệnh Eczema ở trẻ em thường trở nên nghiêm trọng hơn vào mùa đông, thời tiết khô lạnh. Bên cạnh đó, nước bọt hay mồ hôi của trẻ cũng có thể gây kích ứng ở vùng cổ và cằm. Do đó, ba mẹ nên lưu ý các triệu chứng để kiểm soát bệnh chàm ở trẻ hiệu quả.
Các triệu chứng bệnh Eczema ở trẻ
Phần lớn các trẻ bị mắc bệnh Eczema đều có các triệu chứng đặc trưng như da bị đỏ, khô ráp gây ngứa ngáy, khó chịu. Các triệu chứng của bệnh có thể xuất hiện ở bất kì vị trí nào trên cơ thể trẻ. Tuy nhiên, bệnh thường tập trung ở khớp tay, chân và má.
Bệnh chàm ở trẻ thường dễ nhầm lẫn với một số bệnh ngoài da, do đó ba mẹ cần lưu ý các biểu hiện dưới đây để nhận biết chính xác bệnh và áp dụng các biện chăm sóc và điều trị phù hợp:
Trẻ dưới 12 tháng tuổi: Thường có hiện tượng phát ban, nổi mề đay mẩn ngứa tập trung ở trán, da đầu và má. Các triệu chứng ít khi ảnh hưởng đến bộ phận sinh dục.
Trẻ em từ 2 tuổi đến 5 tuổi: Các mẩn ngứa thường khu trú ở phía sau đầu gối, khủy tay, trên cổ, phía trong mắt cá và cổ tay. Hoặc cũng có thể xuất hiện ở mí mắt và vùng quanh miệng.
Bên cạnh đó, da của trẻ cũng có thể xuất hiện các vảy khô ráp có màu sậm hơn những vùng da bình thường. Trường hợp tổn thương nghiêm trọng, khu vực da bị chàm có thể hình thành sẹo hoặc lichen hóa.
Trẻ em từ 5 tuổi và thanh thiếu niên: Các triệu chứng của bệnh thường tập trung ở đầu gối, khuỷu tay. Một vài trường hợp có thể khu trú ở bàn chân, phía sau tay và da đầu của trẻ. Đây cũng có thể là biểu hiện của một số bệnh cơ hội như viêm da bã tiết, viêm da dị ứng tồn tại cùng với bệnh Eczema ở trẻ.
Điều trị bệnh Eczema ở trẻ em
Bệnh chàm và chàm ở trẻ em không thể điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, người bệnh có thể áp dụng các phương pháp điều trị theo chỉ định của bác sĩ, đồng thời kết hợp với các biện pháp chăm sóc da để cải thiện các triệu chứng bệnh hiệu quả và ngăn ngừa bệnh tái lại. Dưới đây là các phương pháp điều trị bệnh Eczema ở trẻ:
Chăm sóc tại nhà
Với các trường hợp các triệu chứng không nghiêm trọng, ba mẹ có thể áp dụng các biện pháp sau đây đẩy cải thiện tình trạng bệnh chàm ở trẻ tại nhà:
Tắm nước mát: Biện pháp này có thể giúp làm dịu cơn ngứa ngáy ở trẻ, cải thiện các triệu chứng khó chịu tạm thời. Ngoài ra, bạn có thể cho thêm bột yến mạch vào bồn tắm để giúp làm mềm da, tái tạo tế bào mới, phục hồi vùng da bị tổn thương, tăng hiệu quả điều trị.
Sử dụng kem dưỡng ẩm: Mỗi ngày thực hiện dưỡng ẩm từ 2 đến 3 lần sau tắm để cung cấp độ ẩm cần thiết cho da trẻ, cải thiện tình trạng khô ráp, bong tróc, làm giảm các triệu chứng của bệnh Eczema. Tuy nhiên, ba mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để lựa chọn sản phẩm chăm sóc da phù hợp cho bé, tránh kích ứng.
Biện pháp bọc ướt: Đây là một trong những liệu pháp điều trị tại nhà thường được áp dụng, giúp giảm ngứa ngáy, đau rát do bệnh chàm gây ra. Chuẩn bị một chiếc khăn sạch thấm nước mát, sau đó quấn quanh vùng da bị tổn thương để làm dịu da và bù nước hiệu quả. Ba mẹ nên thực hiện cách này vào buổi tối sau khi vệ sinh cá nhân cho trẻ.
Tránh gây kích ứng da: Trong quá trình chăm sóc trẻ khi bị chàm, bạn nên sử dụng khăn bông mềm lau người cho trẻ sau khi tắm, chọn những quần áo rộng rãi, thoáng mát, thấm hút tốt, tránh cọ xát gây kích ứng da.
Sử dụng thuốc Tây điều trị
Trường hợp không đáp ứng được các biện pháp chăm sóc tại nhà, tình trạng bệnh chàm ở trẻ không có dấu hiệu thuyên giảm. Lúc này bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời. Dựa vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và độ tuổi của người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉnh định lượng thuốc phù hợp nhất.
Dưới đây là một số loại thuốc thường được bác sĩ chuyên môn chỉnh định trong điều trị bệnh Eczema ở trẻ em:
Kem Steroid, Corticosteroid, Cortisone hoặc thuốc mỡ tại chỗ: Các loại thuốc thường được chỉ định trong điều trị các bệnh viêm da, bao gồm bệnh chàm. Tuy nhiên, nếu lạm dụng trong điều trị có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, ba mẹ tránh tự ý dùng thuốc cho trẻ, nên theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Kem và thuốc mỡ Hydrocortison: Thuốc điều trị tại chỗ này có thể cải thiện cơn ngứa ngáy và tình trạng viêm da ở trẻ. Tuy nhiên, nếu lạm dụng sẽ gây mỏng da.
Thuốc chống viêm tại chỗ: Các loại thuốc này có tác dụng thay đổi phản ứng của cơ thể với các yếu tố gây viêm da.
Thuốc kháng Histamin: Các loại thuốc uống kháng histamin có khả năng chống lại dị ứng, cải thiện các triệu chứng ngứa ngáy, đau rát, giúp trẻ dễ ngủ hơn. Ngoài ra, các loại thuốc sẽ được bác sĩ chỉ định khi bệnh chàm có dấu hiệu nhiễm khuẩn.
Thuốc ức chế hệ thống miễn dịch: Thuốc được áp dụng cho những trường hợp bệnh Eczema chuyển biến nghiêm trọng và không đáp ứng các loại thuốc điều trị khác.
Phương pháp trị liệu ánh sáng
Trị liệu ánh sáng hay quang trị liệu là phương pháp được thực hiện bằng cách để da trẻ tiếp xúc với các tia UVB để cải thiện các triệu chứng bệnh Eczema. Ngoài ra, phương pháp này còn được áp dụng cho một số bệnh ngoài da khác như viêm da tiếp xúc, viêm da cơ địa,…
Trị liệu ánh sáng sẽ giúp:
- Cải thiện tình trạng ngứa ngáy
- Tăng khả năng sản xuất vitamin D
- Tăng khả năng kháng khuẩn và hỗ trợ da chống lại các bệnh lý khác
Các trường hợp áp dụng phương pháp quang trị liệu đều đạt hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, liệu pháp này cũng mang đến những rủi ro trong quá trình điều trị, bao gồm:
- Da sẽ dễ bị cháy nắng, tăng độ nhạy cảm với ánh nắng
- Da của trẻ sẽ bị lão hóa
- Có nguy cơ hình thành các khối u ác tính
- Gây buồn nôn, nhức đầu
- Trong quá trình thực hiện trị liệu có thể gây đục thủy tinh thể nếu không đeo che mắt kỹ
Phòng ngừa bệnh Eczema ở trẻ em
Bệnh chàm nói chung và bệnh chàm ở trẻ em nói riêng, thường có các triệu chứng kéo dài dai dẳng và có xu hướng tái lại nhiều lần. Do đó, bên cạnh áp dụng các phương pháp điều trị và chăm sóc da. Bạn cũng nên lưu ý các biện pháp phòng tránh bệnh Eczema ở trẻ như:
- Sử dụng nước ấm tắm cho trẻ và không tắm quá 15 phút. Nên chọn các loại xà phòng chuyên dụng cho trẻ bệnh chàm, để tránh gây kích ứng da bé.
- Tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị để lựa chọn sản phẩm phù hợp với da bé. Thường xuyên dưỡng ẩm cho trẻ để cung cấp độ ẩm cần thiết cho da, nhất là khi thời tiết khô lạnh.
- Tránh mặc quần áo bó sát, chất liệu dày, cứng cho trẻ, vì có thể gây khó chịu, ma sát tổn thương da bé dẫn đến bùng phát các triệu chứng bệnh chàm.
- Dặn dò trẻ tránh chà xát hay gãi nên vùng da bị chàm vì có thể gây trầy xước và bội nhiễm. Đối với trẻ sơ sinh, bạn nên cắt móng tay và mang bao tay cho bé.
- Tránh môi trường có nhiệt độ cao, bạn có thể kết hợp sử dụng máy độ ẩm trong nhà giúp cân bằng độ ẩm tốt hơn, ngăn ngừa tình trạng da bị khô ráp, bong tróc.
- Xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt, luyện tập hợp lý cho trẻ để tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ phục hồi bệnh tốt hơn và phòng ngừa bệnh hiệu quả.
Bệnh Eczema ở trẻ em thường không ảnh hưởng nghiêm trọng và sẽ cải thiện khi bé dậy thì. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các triệu chứng nghiêm trọng dẫn đến nhiễm trùng. Do đó, khi trẻ có các dấu hiệu của bệnh chàm, ba mẹ nên chủ động đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán và áp dụng các biện pháp điều trị hợp lý.
Có thể bạn quan tâm:
- Viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh: Cách chăm sóc và điều trị hiệu quả
- Cách chữa chàm bằng lá trầu không theo dân gian hiệu quả